Tiêm kích đa nhiệm F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất từ trước đến nay của quân đội Mỹ, với khả năng bay siêu nhanh và những vũ khí hiện đại mang theo trong khoang chứa bom tàng hình. Tuy nhiên đây không phải là những thứ khiến chương trình F-35 bị đội giá lên mức 400 tỷ USD, mà thứ thực sự đắt đỏ là một công nghệ tiên tiến làm nên sức mạnh của siêu tiêm kích này.
Quân đội Mỹ đang chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ có tên gọi "tác chiến điện tử nhận thức" cho phép F-35 có khả năng tồn tại gần như một vật thể sống để "đánh hơi" các hệ thống phòng không rất khó phát hiện trong tương lai và đưa ra các giải pháp để phá hủy chúng trong khi bay, theo Defenseone.
Dù các thông tin chi tiết về hệ thống tác chiến điện tử (EW) của F-35 vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia giám sát và các quan chức quân sự có hiểu biết về chương trình này nói rằng công nghệ này sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của F-35 và đóng vai trò chủ chốt với khả năng sống sót của nó trước năng lực phòng không tiên tiến của đối phương trong tương lai. Nói cách khác, hệ thống tác chiến điện tử nhận thức chính là "bộ não" có vai trò quan trọng nhất trên chiếc máy bay tối tân nhất thế giới này.
"F-35 đã được tích hợp một số thành tố của hệ thống tác chiến điện tử nhận thức, nhưng chúng tôi vẫn còn tiếp tục hoàn thiện nữa trong tương lai", Lee Venturino, đồng chủ tịch và giám đốc điều hành công ty First Principles chuyên phân tích chương trình F-35 cho Lầu Năm Góc nói. "Chúng tôi đang phát triển công nghệ này theo từng bước. Bước đầu tiên là về các biện pháp hỗ trợ điện tử (ESM) để phát hiện các dạng sóng tín hiệu chưa từng xuất hiện".
Theo Patrick Tucker, chuyên gia công nghệ của Defenseone, hệ thống tác chiến điện tử nhận thức sẽ "đánh hơi" các sóng năng lượng vô hình phát ra từ chuyển động của các điện tử, quang phổ điện tử lan truyền trong không gian. Các hệ thống radar thông thường sử dụng dạng sóng cố định khiến chúng dễ dàng bị F-35 phát hiện, phân tích và đưa ra chiến thuật đối phó. Tuy nhiên, các radar lập trình bằng công nghệ số hóa đời mới hơn có khả năng phát ra các dạng sóng chưa từng thấy trước đây khiến chúng ngày càng khó phát hiện và tiêu diệt.
Lo ngại công nghệ tác chiến điện tử (EW) của Mỹ đang hụt hơi trước các thách thức của thế giới hiện nay, Hội đồng Khoa học Quốc phòng (DSB) năm 2013 đã khuyến nghị quân đội Mỹ cần phát triển các hệ thống tác chiến điện tử linh hoạt và thích ứng để có thể phát hiện và đối phó với các thiết bị cảm biến phức tạp trong tương lai.
"Trước đây, các máy bay tác chiến điện tử EA-18 có thể phát hiện một dạng sóng mới nhưng không có cách nào để ứng phó. Phi công sẽ quay về, báo cáo và tái tạo dạng sóng đó, và mất nhiều thời gian để tìm ra cách đối phó", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách máy bay tác chiến điện tử Bob Work cuối tháng trước phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.
Quá trình này diễn ra quá chậm để có thể đối phó hiệu quả với các radar lập trình kỹ thuật số trong tương lai. Theo Robert Stein, đồng chủ tịch phụ trách nghiên cứu DSB, để nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường, F-35 phải có khả năng phát hiện và ứng phó với các dạng sóng mới trong thời gian rất ngắn.
Hệ thống tác chiến điện tử trên F-35 lấy cảm hứng từ khái niệm "radar nhận thức" do nhà nghiên cứu điện tử Simon Haykin đưa ra năm 2006. Haykin cho rằng có thể chế tạo một máy tính có khả năng nhận định tình hình nhờ vào hệ thống radar và ăng ten mảng pha có thể quét nhanh các dạng sóng.
Dựa trên định lý của Thomas Bayes, một nhà thống kê học và triết học người Anh, Haykin đã đưa ra nguyên lý hoạt động của thuật toán Bayes trong hệ thống radar và thu hút sự quan tâm của Cơ quan quốc phòng Mỹ trong nghiên cứu máy móc và công nghệ tác chiến điện tử nhận thức.
Tập đoàn BAE đã huy động 200 tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu về nghiên cứu máy móc, vật lý, xử lý tín hiệu thống kê và tính toán thần kinh học trong các lĩnh vực khác để nghiên cứu các thuật toán nhằm xây dựng hệ thống tác chiến điện tử nhận thức hiện đại nhất cho F-35, có khả năng nhận biết và ứng phó với các mối đe dọa theo thời gian thực.
Quân đội Mỹ hy vọng với hệ thống này, F-35 sẽ vượt qua được hệ thống radar phòng không lập trình mới Nebo-M của Nga. Nebo-M gồm ba hệ thống radar gắn trên xe tải riêng biệt gồm một radar dải tần số VHF tầm quét rộng, một radar tần số cao UHF và một radar sóng X bố trí theo hình tam giác để có độ chính xác cao hơn. Sự kết hợp của ba hệ thống này có thể "vạch mặt" các tiêm kích tàng hình tối tân, kể cả F-35 của Mỹ.
"Radar Nebo-M được thiết kế để tự động dò tìm, theo dõi các mục tiêu trên không như các tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ tàng hình, máy bay không người lái và các mục tiêu bay với vận tốc siêu thanh từ khoảng cách lên tới 1.800 km", RT đưa tin hồi tháng 2/2015.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, nếu F-35 có thể ứng dụng thành công hệ thống tác chiến điện tử nhận thức trên, nó có thể nâng cao đáng kể khả năng sống sót trong những chiến trường phức tạp nhất. "Công nghệ này sẽ giúp F-35 đối phó với các tình huống liên tục thay đổi, khiến nó trở nên linh hoạt như một chiến binh thực thụ trên chiến trường", ông Stein nhấn mạnh.
Duy Sơn