MiG-31 (NATO định danh: Foxhound) là tiêm kích đầu tiên trên thế giới được trang bị radar mảng pha vào năm 1981. Hệ thống radar hiện đại này cho phép nó phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 200 km, bám bắt và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc mà không cần sự can thiệp của sĩ quan điều khiển hỏa lực, theo Airforce Technology.
Phi công thử nghiệm Vladimir Kondaurov, anh hùng Liên Xô, đã tiết lộ về một chuyến bay đặc biệt của mình diễn ra đầu thập niên 1980. Trong chuyến bay huấn luyện đó, ông phải tiêu diệt 4 mục tiêu trên không với sự trợ giúp của sĩ quan điều khiển vũ khí (WSO) ngồi phía sau. Nhiệm vụ chính của sĩ quan này là vận hành hệ thống radar N007 Zaslon, phát hiện và khóa mục tiêu để Kondaurov phóng tên lửa.
Khi đến khu vực tác chiến, Kondaurov liên lạc với WSO để kiểm tra tình hình. Đáp lại, người này cho biết anh ta đang ngủ, để mặc radar Zaslon vận hành ở chế độ tự động. Chỉ vài giây sau, hệ thống điều khiển hỏa lực của chiếc MiG-31 phát hiện ra mục tiêu đầu tiên, Kondaurov phóng một quả tên lửa R-33.
Các mục tiêu còn lại cũng nhanh chóng xuất hiện trên radar. Chỉ trong vòng 10 giây, Kondaurov đã bắn 4 quả tên lửa, tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu được giao. Thao tác tìm kiếm và khóa mục tiêu diễn ra hoàn toàn tự động, không cần tới sự can thiệp của WSO phía sau.
N007 Zaslon là radar mảng pha quét chùm điện tử thụ động (PESA) được Liên Xô phát triển riêng cho tiêm kích MiG-31. Zaslon có khả năng tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng và bám bắt mục tiêu trên không, cả ở phía trước và phía sau máy bay. Loại radar này cho phép phi công chia sẻ dữ liệu giữa biên đội 4 chiếc MiG-31, hoặc với các tiêm kích khác như MiG-23, MiG-29 và Su-27.
Zaslon có tầm phát hiện 200 km với tiêm kích, hoặc 400 km với máy bay ném bom ở độ cao lớn. Radar có khả năng bám bắt 10 mục tiêu cùng lúc, dẫn đường cho 4 tên lửa tới 4 mục tiêu khác nhau. Một nhóm 4 chiếc MiG-31 có thể theo dõi khu vực rộng 800 km và dài 2.000 km.
Xem thêm: Cảnh hoang phế của căn cứ không quân chiến lược thời Liên Xô
Tử Quỳnh