Trong giai đoạn 1967-1971, Liên Xô đã xây dựng Không quân Ai Cập thành một lực lượng đáng gờm tại Trung Đông. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để nước này có thể đối phó với Không quân Israel. Liên Xô buộc phải tìm ra phương án mới để răn đe Israel mà không trực tiếp tham chiến, theo Tails Through Time.
Năm 1971, Liên Xô quyết định triển khai một nhóm tiêm kích MiG-25 tới Ai Cập để trinh sát hệ thống phòng thủ của Israel ở bờ đông bán đảo Sinai. Đây cũng là cơ hội để kiểm tra MiG-25 trong điều kiện thực tế trước khi đưa vào biên chế, bởi chiếc tiêm kích hiện đại này mới chỉ được đưa vào thử nghiệm năm 1970 và vẫn còn một số vấn đề về kỹ thuật.
Liên Xô thành lập Liên đội không quân độc lập số 63, trang bị 4 chiếc MiG-25 tới Ai Cập thực hiện nhiệm vụ. Hai trong số đó là MiG-25R, phiên bản thuần trinh sát, hai chiếc còn lại là mẫu MiG-25RB có khả năng do thám kiêm tấn công đối phương. 4 máy bay MiG-25 được tháo rời cánh, đuôi, động cơ và được chuyên chở bằng vận tải cơ An-22 đến Ai Cập.
Ngay cả khi tháo rời các chi tiết lớn, máy bay MiG-25 vẫn to hơn khoang chở hàng của An-22. Một kỹ thuật viên đưa ra giải pháp xoay ngược càng đáp máy bay, lắp bánh xe của tiêm kích MiG-21 lên khung càng của MiG-25. Nhờ đó, những chiếc tiêm kích này mới nằm gọn trong khoang của An-22. Khi tới thủ đô Cairo, chúng được lắp ráp lại trong các hầm bê tông do quân đội Ai Cập xây dựng.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào tháng 4/1971 trên không phận Ai Cập. Phòng thiết kế Tumansky đã chỉnh sửa động cơ R15B-300 của 4 chiếc MiG-25, cho phép chúng hoạt động ở chế độ tăng lực toàn phần trong 40 phút liền, thay vì 3 phút so với giai đoạn thử nghiệm ở Liên Xô.
Nhiệm vụ trinh sát đầu tiên được thực hiện vào ngày 10/10/1971. Biên đội hai chiếc MiG-25 bay từ đồng bằng châu thổ sông Nile tới biên giới Israel - Lebanon ở độ cao 21.300 m, chỉ cách bờ biển Israel khoảng 27 km. Không quân Israel (IAF) đã cử nhiều máy bay F-4 Phantom lên đánh chặn nhưng không thành công.
Tới tháng 11, một chiếc MiG-25 bay qua phía bắc bán đảo Sinai để chụp ảnh khu vực phòng thủ của Israel. Lần này, IAF chuẩn bị hai chiếc F-4 được tháo toàn bộ thiết bị không cần thiết, giúp chúng đạt độ cao đủ để tấn công MiG-25. Phi công Israel phóng tên lửa AIM-7 Sparrow về phía chiếc máy bay Liên Xô, nhưng quả tên lửa không thể bắt kịp tốc độ hơn 3.700 km/h của MiG-25 và phát nổ ở khoảng cách, chiếc MiG-25 trở về căn cứ an toàn.
Việc không thể đánh chặn MiG-25 khiến quân đội Israel nổi giận. Họ triển khai các nhóm F-4 tuần tra gần sân bay Cairo-West của Ai Cập với mục tiêu bắn hạ biên đội MiG-25 khi chúng vừa cất cánh. Trong một nhiệm vụ, đã có tới 48 máy bay Israel xuất kích để tìm cách bắn hạ chiếc MiG-25.
Để chống lại chiến thuật này, Không quân Ai Cập sử dụng tiêm kích MiG-21 từ các sân bay khác để hộ tống máy bay Liên Xô. Ít nhất hai chiếc MiG-21 sẽ bay dọc đường băng ở độ cao thấp, ngay sau đó MiG-25 cất cánh với sự hộ tống của một biên đội MiG-21 khác phía sau. Các máy bay sẽ bám sát đội hình cho tới khi phi công Liên Xô lấy đủ độ cao và tốc độ để thoát khỏi sự đeo bám của tiêm kích Israel.
MiG-25 thường bay theo biên đội hai chiếc ở độ cao 21.300 m và bật tăng lực tối đa. Ở tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh (3.700 km/h), MiG-25 chỉ cần hai phút để bay hết chiều dài kênh đào Suez phân chia Ai Cập và Israel. Máy bay tiêu tốn khoảng 450 kg nhiên liệu mỗi phút. Cửa hút gió đạt tới nhiệt độ 320 độ C, trong khi vỏ máy bay nóng tới 303 độ C. Phi công Liên Xô cho biết kính buồng lái có thể gây bỏng nếu để chạm tay vào trong quá trình bay.
Máy quay hoạt động tự động trong hành trình, trong khi cảm biến trinh sát điện tử (ELINT) định vị chính xác vị trí radar, hệ thống liên lạc và tác chiến điện tử của Israel. Khi trở về căn cứ Cairo-West, những chiếc MiG-25 lại được MiG-21 của Ai Cập hộ tống cho tới khi chạm đất.
Mỗi tháng quân Liên Xô thực hiện hai nhiệm vụ trinh sát trên lãnh thổ Israel. Tới cuối năm 1971, MiG-25 có thể tiến hành các chuyến bay vào sâu trong không phận Israel mà không gặp trở ngại. Ngay cả tổ hợp tên lửa phòng không Raytheon Hawk cũng trở nên vô dụng, chúng chỉ có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao tối đa là 12.200 m.
Tới đầu năm 1972, Israel liên tục phản đối các chuyến bay do thám của Liên Xô với Liên Hiệp Quốc. Nhưng chính Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat mới là người kết thúc nhiệm vụ của MiG-25. Lý do là ông quá chán nản với việc Liên Xô không chịu bán MiG-25, đồng thời nhận ra nước này sẽ không giúp Ai Cập giành lại bán đảo Sinai.
Sadat ra tối hậu thư, yêu cầu Liên Xô bán MiG-25 cho Ai Cập trong vòng một tuần hoặc rời quốc gia này ngay lập tức. Tới giữa tháng 7/1972, toàn bộ Liên đội không quân độc lập số 63 được rút về Liên Xô. Thành công từ nhiệm vụ này khiến quân đội Liên Xô quyết định biên chế MiG-25 vào không quân.
Xem thêm: Cảnh hoang phế của căn cứ không quân chiến lược thời Liên Xô
Tử Quỳnh