Ba ngày rối loạn tại Grenada
Năm 1983, Mỹ quyết định phát động chiến dịch quân sự xâm lược Grenada, quốc đảo ở vùng Caribbean, sau một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu ở quốc gia này.
Việc lật đổ chính quyền lâm thời Grenada được cho là nhiệm vụ dễ dàng với đặc nhiệm Mỹ. Đặc nhiệm SEAL được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đánh bại các binh sĩ Grenada được trang bị lạc hậu hơn.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Grenada
Nhưng khi thực hiện chiến dịch mang tên Urgent Fury này, đặc nhiệm Mỹ đã gặp phải hàng loạt vấn đề trong lúc đổ bộ xuống các mục tiêu ở Grenada. Việc coi thường thời tiết khiến 4 lính đặc nhiệm SEAL bị chết đuối vào đêm 23/10. Cuộc đột kích đường không vào nhà tù Richmond Hill vấp phải hỏa lực phòng không dữ dội. Nỗ lực chiếm một trại lính bỏ hoang vào ngày 27/10 cũng khiến ba trực thăng Mỹ bị rơi và ba lính biệt kích thiệt mạng.
Trong 19 lính Mỹ thiệt mạng tại Grenada, có tới 13 binh sĩ đặc nhiệm. Các chỉ huy đổ lỗi cho thông tin liên lạc kém, cũng như hiểu sai về khả năng tác chiến của đặc nhiệm. Thất bại ở Grenada thúc đẩy hàng loạt cải cách trong lực lượng đặc nhiệm cũng như quân đội Mỹ nói chung.
'Diều hâu gãy cánh' tại Mogadishu
Mỹ can thiệp vào nội chiến Somalia với vai trò cứu trợ nhân đạo, cung cấp thực phẩm tới cư dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Không lâu sau, vai trò của Mỹ được mở rộng, với sự tham gia của lực lượng biệt kích và đặc nhiệm Delta Force.
Thảm họa "Diều hâu gãy cánh"
Ngày 3/10/1993, biệt kích và Delta Force tổ chức một cuộc đột kích hỗn hợp ở thủ đô Mogadishu để bắt giữ các cố vấn hàng đầu của Mohammed Farah Aidid, thủ lĩnh phiến quân có ảnh hưởng lớn tại Somalia.
Tuy nhiên, cuộc đột kích nhanh biến thành thảm họa. Đoàn xe chở biệt kích không tìm được đường tới mục tiêu, trong khi hai trực thăng UH-60 Black Hawk chở đặc nhiệm bị bắn rơi. Trận chiến kéo dài suốt đêm, khiến 19 lính đặc nhiệm Mỹ và gần 1.000 người Somalia thiệt mạng.
Thất bại tại Mogadishu được tái hiện qua nhiều cuốn sách và trở nên nổi tiếng nhờ bộ phim "Black Hawk Down" (Diều hâu gãy cánh).
Tử Quỳnh