Tháng 3/1957, một người Mỹ tên Thomas bước ra khỏi quán cà phê tại Tây Đức trong thời tiết lạnh giá, nơi anh ta có cuộc gặp chớp nhoáng với một người Đức để thảo luận việc thuê căn hộ. Hai người chia tay, Thomas trở lại văn phòng sau lộ trình vòng vo để chắc chắn mình không bị theo dõi.
Trên thực tế, Thomas là một sĩ quan đặc nhiệm thuộc lực lượng "Mũ nồi Xanh" của Mỹ, được phái tới Berlin để hoạt động và đang tìm "nhà an toàn" cho đội của mình, theo War History.
"Đội A" của Thomas có 90 thành viên, được giao nhiệm vụ duy nhất: Tìm cách cản đường quân đội Liên Xô nếu họ tràn qua Tây Đức. Nếu chiến tranh nổ ra, các thành viên "Đội A" sẽ phải xâm nhập hậu phương của quân đội Liên Xô để phá hủy các công trình hạ tầng và tấn công sở chỉ huy quan trọng.
Đây là một nhiệm vụ không khác gì tự sát, bởi nếu bị bắt khi đang mặc thường phục, họ có thể bị xử tử ngay lập tức mà không cần xét xử. Tuy nhiên, từ năm 1956 đến 1990, vẫn có 6 Đội A được triển khai tới Tây Đức, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Mỗi đội phụ trách một khu vực cụ thể và được huấn luyện gắt gao.
Từ cuối thập niên 1950, Lầu Năm Góc nảy ra sáng kiến sử dụng lực lượng đặc nhiệm thực hiện những vụ tấn công phá hoại bằng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ để có thể ngăn cản đà tiến quân của Liên Xô khi chiến tranh nổ ra. Nhiệm vụ này được giữ bí mật đến mức Mỹ chỉ thừa nhận sự tồn tại của nó vào năm 2014.
Khi trở về trụ sở của đội, Thomas nhận ra các thành viên khác đang chuẩn bị luyện tập phương án cho một nhiệm vụ phá hoại tối mật, trong đó vũ khí chính được họ sử dụng chính là một thiết bị nổ hạt nhân.
Nội dung diễn tập là phá hủy một nhà máy sản xuất máy bay giả định ở tây nam Đức. Để đảm bảo an toàn cho thiết bị hạt nhân và kế hoạch tác chiến, quân xanh sẽ do lính Mỹ đảm nhiệm nhằm giữ bí mật.
Vũ khí họ mang theo là ADM-4, một quả bom hạt nhân cỡ nhỏ, có sức công phá vài kiloton, tương đương vài nghìn tấn thuốc nổ TNT. ADM-4 có tổng trọng lượng gần 91 kg, nhưng được tách thành 4 bộ phận chính để một đội đặc nhiệm được huấn luyện bài bản có thể mang theo và lắp ráp lại.
Theo kế hoạch, đội của Thomas gồm 10 đặc nhiệm nhảy dù xuống một cánh đồng trống trải trong dãy Rừng Đen, di chuyển đến vị trí tập kết được nhóm tiền trạm chuẩn bị sẵn. Tại đây, nhóm liên tục quan sát mục tiêu, chỉ huy đội trinh sát là người quyết định kế hoạch cuối cùng.
Ưu điểm của ADM-4 là không cần đặt chính xác ngay cạnh mục tiêu mà chỉ cần để ở khoảng cách thích hợp. Một nửa đội tiếp cận mục tiêu vào tối hôm sau, trong khi nửa còn lại cảnh giới bên ngoài. Sau đó một ngày, đội tấn công di chuyển vào vị trí bí mật, lắp ráp thiết bị ở cách tòa nhà mục tiêu 91 m.
Họ có khoảng một giờ để thoát ly trước khi xảy ra vụ nổ. Cả đội thận trọng ra khỏi khu vực mục tiêu, hội quân và rút lui. Đến lúc này, cuộc diễn tập kết thúc với những bước tiến hành đúng theo kế hoạch. Thiết bị ADM-4 được tháo ra và chuyển đến một hầm an toàn tại Đức.
Các thành viên đội đặc nhiệm Mỹ được duy trì ở Berlin đến tận năm 1990, họ chỉ rời đi sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Lực lượng này còn tham gia nhiều nhiệm vụ bí mật ở châu Âu trước bị giải thể. Các thành viên trong đội sau đó được triển khai đến các nơi trên thế giới.
Duy Sơn