
Dòng người hôm nay tham gia cuộc biểu tình phản đối Brexit ở London. Ảnh: Reuters
Cuộc biểu tình mang tên "Tuần hành vì châu Âu" được kêu gọi thông qua mạng xã hội. Những người tham gia biểu tình cầm các tấm biển với dòng chữ "Bremain" với ý nói nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) hay "Chúng tôi yêu EU" và đi vòng quanh thủ đô London, theo BBC.
Mark Thomas, một người biểu tình, cho rằng cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 dẫn tới kết quả là 52% người Anh bỏ phiếu rời EU, hay còn gọi là Brexit, đã không được thực hiện "trên một sân chơi bình đẳng". Nhưng giới phê bình lại nói những người thua trong cuộc bỏ phiếu cách đây hơn một tuần chỉ đang "trải qua một cơn giận dữ".
Người biểu tình tập trung quanh Công viên Lane trước khi khởi hành hướng tới Quảng trường Quốc hội. Một cuộc tuần hành khác cũng diễn ra tại thành phố York.
Keiran MacDermott, người tổ chức cuộc biểu tình, cho hay họ muốn ngăn cản chính phủ kích hoạt Điều 50 của hiệp ước Lisbon. Sau khi Điều 50 được kích hoạt, Anh và EU mới có thể chính thức ngồi vào bàn đàm phán về những điều khoản của cuộc "ly hôn".
Ông Tom North, đến từ Norfolk, tham gia cuộc tuần hành cùng gia đình. "Tôi ở đây vì cảm thấy đất nước đã bỏ phiếu cho một thứ chắc chắn sẽ biến thành thảm họa. Tôi đặc biệt lo lắng về ảnh hưởng của nó đối với các nghiên cứu khoa học", ông nói.
Mark Thomas, một người khác tham gia biểu tình, cho hay cuộc trưng cầu dân ý trước đây "mang đầy thông tin sai lệch và người dân cần làm gì đó với sự thất vọng của họ".
Theo BBC, thành phần đi biểu tình cũng rất đa dạng với đủ mọi lứa tuổi. Họ mang theo hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ bày tỏ sự tức giận cũng như nỗi thất vọng trước quyết định Brexit. Thông tin về lượng người tham gia biểu tình chưa được thống kê chính xác nhưng con số chắc chắn lên tới hàng nghìn người.
Xem thêm: Tại sao Nữ hoàng Anh im lặng trước sự kiện Brexit
Vũ Hoàng