Thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi năm ngoái trượt dốc khiến nhà đầu tư hoảng sợ. Vậy nhưng trong bài phát biểu hồi tháng một, ông Tập không hề đề cập tới sự lo lắng về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thay vào đó, ông hướng tới các binh lính Trung Quốc và nói về một thách thức khác: kế hoạch tái cấu trúc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lớn nhất từ những năm 1950. Đây được xem là bản kế hoạch có thể khiến Mỹ và các đồng minh châu Á lo lắng, còn các cường quốc thế giới không mấy vui vẻ, theo Wall Street Journal.
"Chúng ta phải giải phóng tư tưởng và thay đổi cùng với thời đại", ông Tập phát biểu trước một nhóm tướng lĩnh hôm 4/1. Theo ông Tập, họ không nên "mang giày mới để đi trên con đường cũ".
4 ngày sau, chủ tịch Trung Quốc khởi động kế hoạch cải tổ, biến một quân đội theo mô hình Liên Xô cũ, tập trung vào bảo vệ Trung Quốc khỏi lực lượng xâm lược, sang mô hình lực lượng nhỏ gọn hơn, hiện đại hơn, có thể phô diễn sức mạnh xa ngoài biên giới. Bản kế hoạch, dự kiến được thực thi trước năm 2020, là một trong những cam kết tham vọng nhất và cũng chứa đựng nhiều rủi ro nhất của ông Tập.
Nếu thành công, nó có thể đặt nền móng cho Trung Quốc thực hiện các chiến dịch tác chiến quốc tế, tới những nơi như Trung Đông hay châu Phi. Nó cũng sẽ trở thành một cột mốc trong sự trỗi dậy của Trung Quốc sau thời gian tự cô lập, vốn bắt đầu từ triều Minh ở thế kỷ 15.
Kế hoạch này cũng có thể giúp Trung Quốc không chỉ thách thức thế độc tôn của Mỹ ở châu Á, mà còn có thể can thiệp quân sự ở nhiều nơi khác để bảo vệ các tuyến hàng hải, nguồn cung tài nguyên và Hoa kiều ở nước ngoài, như cách các cường quốc thế giới đang làm.
Nhóm lợi ích
Thách thức với ông Tập là ở chỗ kế hoạch cải tổ đánh vào trung tâm của một trong những nhóm lợi ích quyền lực nhất Trung Quốc.
Kế hoạch của Chủ tịch Tập "phức tạp và gây xáo trộn hơn nhiều những lần cải tổ trước, vốn thường chỉ mang tính chắp vá trong hệ thống hiện tại", Yue Gang, một đại tá về hưu của PLA cho biết. "Nếu cải cách thất bại, bạn có thể mất đi sự tín nhiệm và phải nhận trách nhiệm, thậm chí là từ chức. Do đó việc này có rủi ro chính trị lớn", ông cho biết.
Khi được WSJ đặt câu hỏi, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định các cơ quan quản lý dân sự và quân đội đã có "những nghiên cứu kỹ lưỡng" để "đảm bảo sự chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới diễn ra tốt đẹp, đảm bảo an ninh và ổn định của binh sĩ".
Từ trước khi kế hoạch cải tổ của ông Tập được triển khai, PLA đã bắt đầu có những bước tiến ra nước ngoài. Các chiến hạm và tàu ngầm Trung Quốc được điều tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong khi nhiều thiết bị quân sự được lắp đặt trên các đảo nhân tạo phi pháp tại Biển Đông. Trung Quốc cũng nhiều lần thách thức các lực lượng hải quân Mỹ quanh bờ biển nước này.
Dù vậy, trong nội bộ, PLA gặp nhiều trở ngại bởi cấu trúc và tư tưởng có từ thời xưa, với lục quân chiếm thế áp đảo. Trước cải tổ, 70% binh sĩ và 7/11 thành viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc xuất thân từ lục quân.
Theo bản kế hoạch mới, quân đội Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm sang đầu tư cho hải quân, không quân và các lực lượng tên lửa, vốn giữ vai trò thiết yếu để thực hiện tham vọng của ông Tập về thực thi "các tuyên bố chủ quyền" tại châu Á, và bảo vệ các lợi ích kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc ở khắp thế giới.
Ông Tập làm việc đó bằng cách cho ra đời các nhánh chỉ huy mới, và hạ thấp vị thế của lục quân. Quyền lực từ các tướng lĩnh cấp cao bị thu hẹp với việc giải thể các cấu trúc chỉ huy, trong đó có 7 quân khu và 4 tổng cục của PLA.
Giờ đây ông Tập giữ quyền chỉ huy trực tiếp các chiến dịch chiến đấu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 20/4 lần đầu gọi ông là tổng tư lệnh, khi ông mặc quân phục tới thăm một trung tâm chỉ huy tác chiến liên quân mới.
Gánh nặng quân nhân giải ngũ
Quân số của PLA bị giảm từ 2,3 triệu xuống còn hai triệu người trong đợt cắt giảm lớn nhất hai thập kỷ qua. Những đợt cắt giảm này đã làm gia tăng thêm số lượng cựu binh của PLA, vốn đã lên tới ít nhất 6 triệu người. Hàng nghìn người trong số đó từng tham gia nhiều cuộc biểu tình có tổ chức bài bản những năm qua. Tháng 6 năm ngoái, một cuộc biểu tình như vậy diễn ra bên ngoài văn phòng Quân ủy Trung ương tại Bắc Kinh, để bày tỏ quan điểm rằng họ ít được hỗ trợ từ chính phủ.
Bắc Kinh đã lệnh cho các doanh nghiệp quốc doanh dành 5% việc làm mới cho cựu binh. Ngoài ra, Quốc hội Trung Quốc trong kỳ họp tháng ba đã cam kết chi 39,8 tỷ nhân dân tệ (6,1 tỷ USD) trong năm nay để hỗ trợ các binh sĩ phải giải ngũ, tăng 13% so với năm 2015.
Các quan chức hàng đầu quân đội Trung Quốc đã cảnh báo cấp dưới không bình luận về kế hoạch cải tổ. Dù vậy, theo WSJ, dấu hiệu bất đồng vẫn lộ rõ. PLA Daily, tờ báo chính của quân đội nước này, hồi tháng 11 đăng tải rồi sau đó gỡ bỏ một bài viết cảnh báo rằng nếu cuộc cải tổ "không được thực hiện một cách đúng đắn, nó có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của quân đội, thậm chí toàn xã hội".
Thiếu tướng về hưu Wang Hongguang, từng là phó tư lệnh một trong những quân khu của Trung Quốc, hồi tháng ba từng phát biểu với báo giới rằng, quan chức địa phương không thể hỗ trợ mọi binh sĩ bị giải ngũ. "Số tiền lên tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ", ông Wang nói, và cho biết thêm ngân sách quốc phòng cần tăng thêm hơn 10%. Ngày hôm sau, chính phủ Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng tăng 7,6%, thấp nhất trong 6 năm qua.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mong muốn PLA có được sức mạnh hủy diệt tương tự như quân đội Mỹ trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, các sĩ quan và sử gia quân sự Trung Quốc nhận định.
Ông Tập từng nói ông xem việc có được một năng lực tương xứng với Mỹ là thiết yếu để thực thi cái gọi là "Giấc mơ Trung Quốc" mà ông đề ra sau khi nhậm chức năm 2012.
Sách trắng quân sự Trung Quốc công bố năm ngoái khẳng định nhiệm vụ chiến lược mới của PLA là "bảo vệ an toàn các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài", được đặt trên các nhiệm vụ phòng thủ truyền thống. Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, nơi cũng có căn cứ của Nhật và Mỹ. PLA cũng đã lập ra Văn phòng Tác chiến Nước ngoài như một phần trong kế hoạch cải tổ.
Trung Quốc phải thích nghi với một "cuộc cách mạng toàn cầu" về chiến tranh, bởi các mối đe dọa đối với các lợi ích của Trung Quốc ngày một gia tăng, thiếu tướng Chen Zhou, một chiến lược gia hàng đầu của PLA, lãnh đạo nhóm biên soạn sách trắng, khẳng định. Ông dẫn chứng việc hải quân Trung Quốc năm ngoái sơ tán công dân khỏi Yemen vì nội chiến tại nước này.
Tái cấu trúc và tìm việc làm cho 300.000 binh sĩ là một thách thức chưa từng có tiền lệ, tướng Chen nói. Nhưng "bất kỳ cuộc cách mạng nào đều phải trả giá".
Xem thêm: Diện mạo kiểu Mỹ của quân đội Trung Quốc
Củng cố quyền lực
Ông Tập trước hết phải củng cố sự kiểm soát của mình đối với quân đội, vốn từ lâu vẫn là trung tâm đối chọi quyền lực với các cơ quan dân sự Trung Quốc. Được thành lập năm 1927, PLA tạo thành xương sống trong cuộc cách mạng của đảng Cộng sản, đưa cố chủ tịch Mao Trạch Đông lên nắm quyền năm 1949. Suốt nhiều năm sau đó, các sĩ quan quân đội luôn giữ vị trí trung tâm trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng.
Khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền năm 1978, ông bắt đầu cho phép quân đội làm kinh tế, với các hoạt động từ kinh doanh dược phẩm cho tới bất động sản. Dù vậy, đến năm 1998, do lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân bắt đầu hạn chế hoạt động kinh doanh của PLA, nhưng gia tăng ngân sách phân bổ.
Người kế nhiệm của ông Giang là ông Hồ Cẩm Đào được cho là gặp khó khăn trong việc khẳng định ảnh hưởng lên quân đội. Năm 2011, giới chức Mỹ nói rằng ông Hồ Cẩm Đào dường như không được biết việc quân đội cho bay thử nghiệm máy bay tàng hình mới, chỉ vài giờ trước khi ông gặp bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó, Robert Gates.
Vụ việc làm dấy lên đồn đoán rằng những thành phần hiếu chiến trong lực lượng vũ trang Trung Quốc đã ảnh hưởng ngày một lớn tới chính sách đối ngoại Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc từ chối bình luận về vấn đề này.
Nạn tham nhũng cũng lan tràn trong quân đội Trung Quốc, đặc biệt là nạn mua bán cấp bậc. Để có được "lon" cấp tướng, một người phải chi ít nhất 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD) nhưng sẽ thu về được nhiều hơn thế thông qua tham nhũng, các quan chức nước này cho biết, theo WSJ.
Ông Tập đang thể hiện rõ mong muốn nắm chắc quân đội trong tay. Vũ khí chính của ông là chiến dịch chống tham nhũng toàn quốc, với ít nhất 41 vị tướng đương nhiệm bị bắt hoặc kết tội từ năm 2013. Nạn tham nhũng lan tràn đến độ bằng chứng từ các cuộc điều tra giờ như thanh gươm "treo lơ lửng trên đầu bất kỳ sĩ quan nào dại dột chất vấn" kế hoạch của ông Tập, James Mulvenon, chuyên gia quân sự Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Defense Group Inc., nói.
Hồi tháng một, ông Tập đã giải tán 4 tổng cục của PLA - phụ trách chính trị, hậu cần, vũ khí và bộ tổng tham mưu - nơi vẫn được xem như lãnh địa của các tướng lĩnh hàng đầu. Thay thế cho 4 tổng cục là 15 văn phòng có quyền lực hạn chế hơn trực thuộc sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Việc này giúp ông Tập giám sát mọi việc, từ mua sắm quân bị cho tới tình báo.
Từ ngày 1/2, ông Tập đi bước tiếp theo, xóa bỏ 7 quân khu của Trung Quốc, những nơi PLA xem như vương quốc thu nhỏ, với trường học, bệnh viện, khách sạn và cơ quan truyền thông riêng. Không ít cơ quan đó giúp họ kiếm tiền. Chính các quân khu này đã chống đối sự giám sát từ trung ương, và tập trung nhiều hơn vào quản lý nội bộ thay vì sẵn sàng chiến đấu.
Các đơn vị không chiến đấu của quân đội, như báo chí, ca múa nhạc, văn nghệ, các đội tuyên truyền PLA lập ra những năm 1930 đều bị sáp nhập hoặc giảm biên chế.
7 quân khu bị thay thế bằng 5 chiến lược khu, được thiết kế để có những sự phân định ranh giới linh hoạt hơn, và tập trung nhiều hơn vào hoạch định sức mạnh ra bên ngoài, một số quan chức trong quân đội tiết lộ. Người đứng đầu mỗi chiến lược khu có quyền chỉ huy tác chiến trực tiếp hơn đối với mọi lực lượng hải, lục, không quân cùng các lực lượng tên lửa thông thường trong khu vực. Mô hình này tương tự các bộ chỉ huy vùng tại Mỹ, các chuyên gia cho biết.
"Việc này giúp cải thiện thời gian phản ứng và mức độ hiệu quả", Phillip Saunders, một chuyên gia về PLA tại Đại học Quốc phòng Mỹ, nhận xét. "Họ đã nghiên cứu cách Mỹ chiến đấu và thấy nhiều lợi ích từ các lực lượng hỗn hợp", chuyên gia này nói, và cho biết thêm rằng Mỹ đã mất 15-20 năm để "thực sự đưa tất cả vào đúng vị trí".
Ông Tập dường như đã có những nhượng bộ, khi bổ nhiệm các quan chức của lục quân đứng đầu toàn bộ các chiến lược khu mới, mặc dù có thể có những thay đổi nhân sự tiếp theo trong tương lai.
Để giảm thẩm quyền của lục quân, ông Tập lập ra Bộ Tổng chỉ huy lục quân mới, chỉ kiểm soát các lực lượng trên bộ, một lực lượng tên lửa, một lực lượng Hỗ trợ Chiến lược kết hợp các năng lực trong không gian, trên mạng máy tính và tác chiến điện tử. Hầu hết các đơn vị này vốn cũng do lục quân kiểm soát.
Sự bố trí này khiến lục quân có vị thế ngang bằng các lực lượng khác, dù từng có vị thế cao hơn. Những lực lượng khác sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn về ngân sách và tác chiến. Các lực lượng trên bộ cũng sẽ là đối tượng bị cắt giảm quân số nhiều nhất.
Một số sĩ quan ủng hộ những thay đổi của ông Tập, nhất là các chỉ huy tác chiến - những người tức giận trước nạn tham nhũng. Trong khi đó, sự phản đối đến từ những tướng lĩnh từng kiểm soát ngân sách lớn, và giờ chỉ còn lãnh đạo một văn phòng ít quyền lực. Các sĩ quan cấp cao giờ cũng khó "kiếm chác" thu nhập ngoài lương, và mất đi các ưu đãi như được sử dụng ôtô hạng sang.
"Một số cán bộ cao cấp có thể cảm thấy: 'Tôi từng là một chỉ huy, tôi là một vị tướng, tôi kiểm soát một khu vực quân sự, nhưng sau những cắt giảm này, tôi chẳng còn chỉ huy bất kỳ ai'", tướng Xu Guangyu, cựu phó chủ tịch Viện Quốc phòng PLA, nói.
Xem thêm: Tham vọng kiểm soát châu Á của quân đội Trung Quốc
Hoàng Nguyên