Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến kiếm tra của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên quân mới được thành lập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Điều đặc biệt là trong bản tin này, ông được giới thiệu chức danh là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc, cùng hình ảnh ông mặc một bộ quân phục dã chiến bắt tay các tướng lĩnh, theo SCMP.
Theo Newsweek, chức danh tổng tư lệnh lực lượng vũ trang mà ông Tập mới nhận được là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo này đã nắm được quyền lực tối cao đối với PLA, hoàn tất chặng đường nhằm chế ngự lực lượng quân đội đông đảo nhất thế giới với quân số lên tới hơn hai triệu người.
Chuyên gia phân tích Derek Grossman thuộc tổ chức tư vấn RAND Corp cho rằng với 4 chức danh nắm giữ hiện nay là Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, ông Tập đang nắm trong tay "quyền sinh quyền sát" đối với các tướng lĩnh quân đội nói riêng và các tầng lớp chính trị khác nói chung.
Grossman chỉ ra rằng ông Tập nhậm chức trong bối cảnh người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào bị cho là thiếu sức ảnh hưởng, quyền lực đối với quân đội Trung Quốc. Phải mất hai năm sau khi nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào mới trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng tại cơ quan đầy quyền lực này, ông bị hai cấp phó là thượng tướng Quách Bá Hùng và thượng tướng Từ Tài Hậu hoàn toàn lấn lướt.
Bởi vậy, ngay sau khi tiếp quản quyền lực vào tháng 11/2012, ông Tập đã bắt đầu hành trình chế ngự quân đội của mình bằng cách phát động một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ, quán triệt nguyên tắc "Đảng lãnh đạo quân đội", và thực hiện cuộc tái cấu trúc PLA lớn nhất từ trước tới nay.
Phát súng đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào những "con hổ". Năm 2014, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị bắt vì có liên quan đến hoạt động "buôn quân hàm", chuyên nhận hối lộ của các sĩ quan để thăng cấp cho họ. Sau khi tướng Từ bị khai trừ đảng và bị điều tra, đến năm 2015, đến lượt Quách Bá Hùng trở thành tướng nghỉ hưu cấp cao nhất bị truy tố với tội danh tham nhũng.
Theo thống kê đến tháng 3/2016, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập đã khiến ít nhất 60 sĩ quan quân đội sa lưới, và con số trong thực tế có thể cao hơn. Một số nguồn tin cho hay hơn 1.600 người đã bị bắt giữ, cách chức hoặc ngồi tù với tội danh tham nhũng kể từ khi ông Tập lên nắm quyền.
Theo Grossman, bài học từ những người tiền nhiệm khiến ông Tập tin rằng việc thiếu sự can thiệp của lãnh đạo dân sự đối với quân đội như dưới thời cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đã khiến PLA ngày càng xa rời nguyên tắc "Đảng lãnh đạo quân đội" mà ông Mao Trạch Đông đề xướng.
Dưới con mắt của ông Tập, có vẻ như đây là lý do nạn tham nhũng trong PLA ngày càng hoành hành dưới thời những người tiền nhiệm. Bởi vậy, ông Tập muốn khiến các quan chức cấp cao của quân đội phải biết sợ bằng cách nhắc nhở họ rằng vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ có thể giúp ông ra tay để ghìm cương PLA.
Mũi tên trúng hai đích
Tháng 11/2014, ông Tập triệu tập 420 tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao của PLA tham dự một hội nghị tại Cổ Điền, thị trấn nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến. Thị trấn này chính là nơi Mao Trạch Đông tổ chức "Hội nghị Cổ Điền" vào năm 1929, đề xướng nguyên tắc "Đảng lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội".
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc triệu tập các tướng lĩnh quân đội ở Cổ Điền kể từ sau hội nghị lịch sử do Mao Trạch Đông tổ chức. Cuộc họp này được coi là một thông điệp mạnh mẽ mà ông Tập gửi tới các tướng lĩnh quân đội, rằng họ có thể trở thành nạn nhân trong chiến dịch chống tham nhũng của ông, giống như tướng Từ Tài Hậu vài tháng trước đó, nếu họ dám chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, Grossman nhận định rằng chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chính là nguồn sức mạnh chủ yếu để ông Tập có thể kiểm soát được PLA.
Giáo sư Michael Chase, chuyên gia phân tích cấp cao tại trường Pardee RAND, cho rằng vũ khí thứ hai mà ông Tập sử dụng để kiềm tỏa quân đội chính là cuộc cải tổ sâu rộng cấu trúc, tổ chức của PLA, được ông tuyên bố vào lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á diễn ra tại Bắc Kinh.
Trên phương diện quân sự, cuộc cải tổ này nhằm xây dựng hệ thống chỉ huy kiểu Mỹ cho PLA, thay đổi cấu trúc từ một lực lượng quân đội nặng về lục quân sang ưu tiên phát triển hải quân và không quân, đồng thời rút gọn 7 đại quân khu thành các chiến lược khu để "tăng cường khả năng sẵn sang chiến đấu chiến đấu và nâng cao năng lực răn đe, kỹ năng tác chiến".
Quan trọng hơn, về mặt chính trị, cuộc cải tổ đã củng cố quyền lực tuyệt đối của ông Tập đối với PLA thông qua sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương. Ông Tập đã giải thể 4 cơ quan chỉ huy đầu não của quân đội, thay vào đó là 15 cơ quan chức năng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
Theo ông Chase, cuộc cải tổ PLA lớn nhất trong lịch sử này đã giúp ông Tập "một mũi tên trúng hai đích". Không chỉ giúp ông Tập khẳng định quyền lực tuyệt đối đối với PLA, củng cố lòng trung thành của mọi quân nhân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc cải tổ còn nâng cao đáng kể khả năng chỉ huy, tổ chức, hiệp đồng tác chiến của quân đội, góp phần giúp ông Tập hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" về một đội quân "sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi trong mọi cuộc chiến".
Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng tình hình khu vực và thế giới sẽ chịu những tác động đáng kể từ những tham vọng này của ông Tập. "PLA với diện mạo mới dưới thời của ông Tập sẽ sớm có thể tạo ra những thách thức lớn hơn đối với các nước láng giềng và cả những mục tiêu, chiến lược của Mỹ trong khu vực", ông Chase nhấn mạnh.
Xem thêm: Rào cản ngăn quân đội Trung Quốc cạnh tranh với Nga, Mỹ
Trí Dũng