Theo Financial Times, chiến thắng mà nhà tài phiệt New York Donald Trump có được trong cuộc đua vào Nhà Trắng chủ yếu nhờ các phát ngôn dân túy cùng những từ ngữ gay gắt có thể khơi dậy quần chúng. Vì thế, thắng lợi này có thể là một đòn giáng vào uy tín của nền dân chủ Mỹ cũng như sự nghiệp dân chủ trên toàn thế giới mà nước Mỹ cổ xúy kể từ năm 1945.
Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đưa ra một phát biểu hùng hồn và có sức truyền cảm nhất về cam kết dân chủ của Mỹ.
"Chúng ta sẵn sàng trả bất kỳ giá nào, mang bất kỳ gánh nặng nào, đương đầu với bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất kỳ người bạn nào, chống đối bất kỳ kẻ thù nào để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do", Tổng thống Kennedy lúc bấy giờ nói.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Gideon Rachman, tư tưởng rộng lượng, phóng khoáng và tính thuyết phục trong tầm nhìn của Kennedy lại đối lập với chủ nghĩa dân tộc trong tuyên bố mà ông Trump đưa ra: "Chúng ta sẽ đặt nước Mỹ lên trước tiên. Chủ nghĩa Mỹ (Americanism) chứ không phải toàn cầu hóa sẽ là cương lĩnh hành động của ta".
Rachman đánh giá sự khác biệt giữa hai tầm nhìn này rất sâu sắc và đáng lo ngại. Như Kennedy nhận xét, thế hệ ông "được tôi luyện bởi chiến tranh và hun đúc tinh thần kỷ luật bởi một nền hòa bình có được sau những gian nan và cay đắng".
Thế hệ của Kennedy đã rút ra những bài học từ thời kỳ Đại suy thoái toàn cầu (1929 - 1930) và Thế chiến II. Họ hiểu rằng chính sách "nước Mỹ trước tiên", tức tìm cách đưa Mỹ tránh xa các vấn đề trên thế giới, rốt cục chỉ tạo ra những rủi ro về chính trị và kinh tế, Rachman nhận xét.
Vậy nên, sau năm 1945, một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Mỹ, cả người Cộng hòa lẫn Dân chủ, đều nỗ lực xây dựng một cấu trúc an ninh - kinh tế toàn cầu dựa trên vai trò lãnh đạo của Mỹ và các định chế quốc tế cũng như những mối quan hệ đồng minh, ví dụ như Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Hợp Quốc (UN) hay Ngân hàng Thế giới (WB).
Chiến thắng mà ông Trump xác lập đã khiến các đồng minh của Mỹ bất ngờ nhưng mang lại niềm hân hoan cho các nhà lãnh đạo mạnh mẽ theo trường phái chủ nghĩa dân tộc trên thế giới, đáng chú ý hơn cả là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Rachman cho rằng ông Trump đã quên những bài học từ cuộc Đại suy thoái toàn cầu vào những năm 1930 khi đề xuất các chính sách đe dọa đến trật tự thế giới tự do mà Mỹ đã ủng hộ và duy trì qua nhiều thập kỷ. Đặc biệt, ông thách thức hai nguyên tắc chính mà lưỡng đảng đề cao, vốn là trụ cột trong cách tiếp cận của Mỹ đối với thế giới: ủng hộ một hệ thống thương mại quốc tế cởi mở và cam kết an ninh với các đồng minh.
Tỷ phú Trump là người đầu tiên công khai ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ được bầu làm tổng thống Mỹ từ sau Thế chiến II. Ông từng tuyên bố sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại "tệ hại" Mỹ tham gia, ví dụ như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông cũng đề cập đến khả năng đánh thuế nhập khẩu lên đến 45% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Nếu theo đuổi đến cùng những cam kết này, nhà tài phiệt New York có khả năng châm ngòi một cuộc chiến thương mại toàn cầu, từ đó nhấn chìm thế giới vào cơn suy thoái, giống như Đại suy thoái vào thập niên 1930, Rachman đánh giá.
Tương lai suy thoái
Tác động của Trump đối với hệ thống an ninh toàn cầu cũng được cho là sẽ rất mạnh mẽ. Ông từng đặt ra vấn đề rằng Mỹ sẽ chỉ tôn trọng các cam kết an ninh với đồng minh NATO và Nhật cùng Hàn Quốc khi các nước này đóng góp thêm vào chi phí triển khai quân của Mỹ.
Theo Rachman, mối phiền lòng của nước Mỹ trước "sự hưởng lợi miễn phí" từ các đồng minh lâu nay vẫn là chủ đề lưỡng đảng quan tâm. Chi tiết mới ở đây là thái độ hoài nghi rõ ràng của ông Trump về quan điểm cho rằng Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh trước một cuộc tấn công quân sự dù bất cứ điều gì xảy ra.
Thái độ lập lờ này, cộng với sự ngưỡng mộ công khai của ông Trump đối với Tổng thống Nga Putin, làm dấy lên những mối lo âu rằng Mỹ sẽ không đứng ra phản đối cách hành xử bị cáo buộc là gây hấn của Nga đối với Ukraine hay Đông Âu.
Các đồng minh châu Á của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng lo sợ chính sách "nước Mỹ trước tiên" có thể bỏ ngỏ khả năng Mỹ chấp nhận xác lập tầm ảnh hưởng ở Đông Á.
Đối với một nước Mỹ với thị trường nội địa khổng lồ đủ sức duy trì đà phát triển kinh tế cùng vị trí đắc lợi có hai đại dương bao quanh giúp bảo vệ an ninh, chính sách "nước Mỹ trước tiên" tưởng chừng như là một lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái và bị cô lập khi cố tách mình khỏi phần còn lại của thế giới. Và giống như thập niên 1930, an ninh cùng sự thịnh vượng của Mỹ cũng sẽ bị đe dọa bởi một cú sụp đổ thương mại toàn cầu và viễn cảnh hồi sinh chủ nghĩa chuyên chế. Song tất cả những điều trên chỉ xuất hiện trong tương lai và cũng mới ở mức dự báo, Rachman nhấn mạnh.
Xem thêm: Kịch bản bước đi của Donald Trump ở Biển Đông
Hồng Vân