Theo những tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhiều nhà quan sát cho rằng tổng thống mới đắc của của Mỹ sẽ loại bỏ những di sản mà Tổng thống Barack Obama dày công xây đắp, trong đó có chính sách xoay trục châu Á. Tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng điều đó không chắc xảy ra.
"Các cố vấn của ông Trump đang chỉ trích chính sách xoay trục châu Á nhưng dường như họ sẽ không duy trì quan điểm này. Trên tờ Foreign Policy, một số cố vấn kêu gọi tăng cường chi tiêu cho Hải quân Mỹ nhằm tăng hiện diện của Washington ở Thái Bình Dương. Các cố vấn về Trung Quốc của ông Trump vẫn có quan điểm khá cứng rắn", Giáo sư John Delury, Đại học Yonsei, Hàn Quốc, trao đổi với VnExpress.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Nick Bisley, Đại học La Trobe, Australia, không cho rằng Mỹ sẽ giảm đáng kể sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương. Giáo sư cũng bác bỏ nghi ngờ Tổng thống mới đắc cử Trump sẽ không quan tâm nhiều đến tình hình ở Biển Đông để dành ưu tiên cho các vấn đề đối nội, do những hành động của Trung Quốc ở vùng biển này được coi như là sự xem thường uy tín của Mỹ và vị thế của nước này trên toàn cầu.
Chuyên gia Bisley lưu ý ông Trump chỉ nhắc đến Biển Đông khi chỉ trích chính quyền của ông Obama yếu ớt.
"Ông Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và ông sẽ không có những hành động khiến bản thân hay nước Mỹ trông có vẻ yếu đuối", ông Bisley nói.
Tiếp cận vấn đề dưới khía cạnh thương mại, ông Phạm Trọng Nghĩa, Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ, Chương trình nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu của Đại học Oxford (Anh) và Đại học Princeton (Mỹ), cho biết ông Trump không nhắc nhiều đến vấn đề Biển Đông trong quá trình tranh cử nhưng những mâu thuẫn về thương mại với Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới chính sách của ông về vấn đề này. Ông Trump từng doạ sẽ đánh thuế rất cao với hàng hoá từ Trung Quốc, nếu hai nước có chiến tranh thương mại, mâu thuẫn về các vấn đề khác sẽ nảy sinh và khó tìm được tiếng nói chung.
Theo ông Nghĩa, về phía Trung Quốc, nếu có chiến tranh thương mại với Mỹ, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong ngắn hạn, Bắc Kinh có thể phải cắt giảm các nguồn lực dành cho các yêu sách trên Biển Đông nhưng về dài hạn nếu khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng xã hội, rất có thể Trung Quốc sẽ có chính sách ngoại giao hung hãn hơn.
Châu Á nên chuẩn bị trước cho mọi kịch bản
Giáo sư Delury cảnh báo Donald Trump nhiều lần thể hiện sự thiếu nhất quán trong chiến dịch tranh cử tổng thống về các chính sách đối nội và đối ngoại. Ông cũng chưa từng có kinh nghiệm trong việc đưa ra các quyết sách liên quan đến các vấn đề ngoại giao. Do đó việc dự đoán chính sách của Trump cực kỳ khó, thậm chí cả khi ông tuyên bố bổ nhiệm các thành viên nội các sắp tới. Trong khi các cố vấn ngụ ý có thể tăng chi tiêu cho Hải quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương, ông Trump lại muốn các đồng minh của Mỹ chi trả cho các chi phí để duy trì mối hợp tác quân sự. Điều đó cho thấy ông sẽ không muốn thay đổi quan điểm để bảo vệ các nước láng giềng của Trung Quốc trước sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ông Bisley cũng cho rằng việc bàn các chính sách của ông Trump thời điểm này chỉ mang tính "võ đoán".
Là một đại diện từ Nhật Bản, nước đồng minh thân thiết của Mỹ, Giáo sư Tosh Minohara, Đại học Kobe, tỏ rõ sự lo ngại về tổng thống đắc cử Trump trong duy trì quan hệ với châu Á nói chung.
"Vấn đề chính ở đây là ông Trump chủ trương Mỹ là trước hết (America First). Các chính sách của ông sẽ xem xét điều gì là tốt nhất cho Mỹ, Washington sẽ bỏ bớt trách nhiệm với thế giới và tập trung nhiều hơn vào các lợi ích của họ. Là một doanh nhân, ông Trump sẽ nhìn nhận mọi việc từ điểm mấu chốt này", ông Minohara nói.
Chuyên gia người Nhật dự đoán quan hệ kinh tế và an ninh giữa Mỹ và các nước châu Á sẽ bị suy giảm do chính sách thương mại của Trump dựa trên chủ nghĩa bảo hộ.
"Các lãnh đạo khôn ngoan ở khắp châu Á sẽ phải chuẩn bị cho rất nhiều khả năng về chính sách của ông Trump. Chúng ta vẫn đang trong thời điểm không biết chắc", ông Delury nói.
Việt Anh