Ngay cả khi Tổng thống Vladimir Putin gần như trong suốt năm qua có những mối bất đồng với phương Tây và Moscow phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt, tác động của sự suy giảm kinh tế lên những người dân bình thường ở Nga vẫn được hạn chế.
Nhưng giá đồng rúp hôm 16/12 xuống đến mức kỷ lục, thấp nhất trong 16 năm, giảm tới 20% so với đồng USD. Ngay lập tức, người dân Moscow đổ xô đi mua các thiết bị điện tử, những mặt hàng có giá trị cao, đồng thời, nhanh chóng rút tiền từ các cây ATM để đổi sang USD hay EUR. Điều này cho thấy người dân Nga cũng dần cảm nhận được rằng nền kinh tế nước này đang phải hứng chịu những tổn thương mới. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Putin, theo Wall Street Journal.
Từ St. Petersburg đến Siberia, các hiệu đổi tiền đều nâng cao tỉ giá nhưng vẫn hết sạch ngoại tệ. Sberbanks, một ngân hàng nhà nước, và Alfa Bank, ngân hàng cho vay tư nhân lớn nhất Nga, cho hay, họ đang trải qua một cơn sốt đồng USD và EUR.
"Nhu cầu quá lớn. Người ta mang hàng đống tiền tới ngân hàng để đổi. Thật là điên rồ", WSJ dẫn lời Kamila Asmalova, quản lý ngân hàng Sberbank, chi nhánh Moscow, nói.
Lanta Bank, một ngân hàng quy mô vừa ở Moscow, cho hay đối tác nước ngoài của họ hôm qua không thể gửi ngoại tệ bởi các máy bay phụ trách chở tiền đều không còn chỗ chứa.
Hãng Apple của Mỹ phải tạm dừng dịch vụ bán hàng trực tuyến tại Nga trước những biến động quá lớn của đồng rúp. Công ty nội thất IKEA của Thụy Điển cũng vừa thông báo họ sẽ tăng giá sản phẩm.
Sự suy giảm liên tục của đồng rúp, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga hôm 16/12 nâng lãi suất lên 17%, đã thúc đẩy một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán và tiền tệ. Tại Mỹ, sự hỗn loạn diễn ra thầm lặng hơn. Chỉ số Công nghiệp Bình quân Dow John đóng cửa giảm 0,7%. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm xuống còn 2,07%, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013.
Ở nước ngoài, tình trạng bất ổn của đồng rúp còn có khả năng lây lan ảnh hưởng sang các thị trường tiền tệ khác, đặc biệt là những nền kinh tế mới, đang phải đối mặt với nhiều trở lực, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Tại Nga, giới chuyên gia nhận định chính sách điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Trung ương chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế trên đà suy giảm của nước này lâm vào tình trạng suy thoái. Đây là một hệ quả từ việc chi phí đi vay tăng cao.
Ngay cả trước khi lãi suất tăng, Ngân hàng Trung ương ước tính nền kinh tế Nga trong năm tới có thể co rút đến 4,7% với điều kiện giá dầu giữ ở mức 60 USD một thùng. Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev thông báo chính phủ sẽ đưa ra một vài "biện pháp điều chỉnh" trên thị trường ngoại tệ nhưng không thảo luận bất kỳ phương án nào liên quan đến việc kiểm soát dòng vốn.
Thách thức mới
Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là liệu các vấn đề kinh tế có biến thành thách thức chính trị đối với ông Putin hay không. Tổng thống Nga hiện vẫn giữ được mức độ ủng hộ của người dân trên 80% đồng thời đóng vai trò kiểm soát chặt chẽ cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Việc nền kinh tế đi xuống mặt khác có khả năng củng cố thêm sự ủng hộ sẵn có đối với điện Kremlin về quan điểm trong đối đầu với phương Tây, WSJ đánh giá. Moscow luôn cho rằng các đối thủ của họ phải chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề hiện tại.
Nhà Trắng hôm qua cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ ký một dự thảo nhằm biến các trừng phạt đối với Nga thành luật. Phản ứng trước động thái này, trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định "Nga không những sống sót mà sẽ vươn lên mạnh mẽ".
Theo giám đốc quỹ UBP Pavel Paberko, ngân hàng sẽ là bên đầu tiên chịu ảnh hưởng từ việc lãi suất tăng bởi chi phí đi vay quá cao sẽ khiến các tổ chức không đủ tiềm lực kinh tế phải ngừng hoạt động.
"Nhiều thành phần tham gia thị trường đang lâm vào tình thế nguy hiểm bởi những diễn biến này", Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga trao đổi với phóng viên. "Quyết định mà Ngân hàng Trung ương đưa ra chỉ là một sự lựa chọn giữa rất xấu và cực kỳ tồi tệ", ông nói thêm.
Nhiều ngân hàng trên toàn cầu tuần này cũng giảm bớt lưu lượng tiền mặt chuyển tới các tổ chức kinh tế Nga. Một số ngân hàng, trong đó có cả Goldman Sachs, bắt đầu từ chối yêu cầu từ những khách hàng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận mua lại đồng rúp cũng như các giao dịch khác nhằm gia tăng lượng tiền mặt.
Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến tăng giá và chắc chắn gây tác động xấu tới người tiêu dùng. Hiệp hội các Công ty Bán lẻ ước tính giá cả đồ ăn, thức uống sẽ tăng 15% vào quý một năm sau.
Người Nga gần đây đẩy mạnh tiêu đồng rúp đang rớt giá của mình vào các đồ điện tử hay xe hơi trước khi giá của những mặt hàng này tăng cao. M.video, một nhà bán lẻ thiết bị điện tử, tính toán, hình thức mua sắm kiểu này chiếm đến một phần ba doanh số bán hàng của doanh nghiệp.
Sau khi IKEA thông báo sẽ tăng giá bán trong những ngày tới, người mua liên tục kéo tới xếp hàng dài tại các đại lý của hãng này ở Moscow. Bởi đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng rúp, tháng trước, Apple buộc phải tăng 25% giá bán chiếc điện thoại Iphone 6 từ các cửa hàng trực tuyến của tập đoàn tại Nga.
Phó Thủ tướng Olga Golodets cảnh báo việc giá cả tăng cao cũng sẽ dẫn tới việc số lượng người nghèo tăng theo. Đây là một sự thừa nhận hiếm hoi của chính phủ Nga về nguy cơ tổn thương kinh tế sắp xảy ra.
Maria Semyonova, bà nội trợ 30 tuổi đến từ Nizhny Novgorod, cách thủ đô Moscow 200 km, cho biết, cô sắp phải đối mặt với khoảng thơi gian đầy khó khăn khi vừa phải trả tiền nhà và nuôi con chỉ với đồng lương của chồng và tiền trợ cấp thai sản. Gia đình cô phải giảm thiểu cả việc sắm sửa cho năm mới, mua những vé xem hòa nhạc làm quà thay vì dành hàng nghìn rúp vào những món hàng đắt tiền.
Tuy nhiên, Semyonova và chồng vẫn đồng tình với Tổng thống Putin khi cho rằng phương Tây là bên có lỗi trong cuộc khủng hoảng. "Tôi nghĩ ông Putin đã hành động hoàn toàn hợp lý trong tình huống này", WSJ dẫn lời cô nói.
Những người ủng hộ ông Putin đa phần là người nghèo và nhân viên chính phủ. Họ thường không có tiền tiết kiệm và chủ yếu dùng đồng rúp trong chi tiêu. Việc đồng rúp trượt giá tác động mạnh nhất tới tầng lớp trung lưu, những người thỉnh thoảng đi du lịch nước ngoài và có xu hướng để dành tiền.
Tatiana Boytsova, chuyên gia tài chính 28 tuổi từ St.Petersburg, cho biết, đồng nghiệp của cô phải dành 40 phút xếp hàng để đổi đồng rúp. Cô và nhiều người quen phải hủy các chuyến du lịch nước ngoài ngay cả khi không được hoàn tiền vé bởi đơn giản là chi phí quá cao.
Boytsova nói cô không hy vọng gì vào một khoản tiền thưởng cuối năm và thậm chí tính đến cả việc bán chiếc vé xem opera của mình. "Lúc này có tiền trong tay thì tốt hơn là đi xem opera", cô nói.
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)