Bên cạnh đó, giá USD (mà bà con người Việt ở Nga thường gọi là đồng 'xanh') lên và đồng rúp bị mất giá với tốc độ phi mã khiến việc buôn bán thêm khó khăn. Vào sáng 1/12 đồng rúp trượt mạnh xuống mốc 53 rúp ăn một USD, thêm 21 rúp so với cách đây gần 2 tháng.
Khắp các khu chợ lớn của Moscow, nơi có bà con người Việt làm ăn bán buôn, như Trung tâm Thương mại Moscow, tức chợ Liu, và Trung tâm Thương mại Sadovod tức chợ Chim, tiểu thương người Việt đều lo lắng. Anh Hợi, bán áo ấm ở chợ Chim, cho biết năm nay hàng vụ đông thất thu vì thời tiết ấm dài, gần hết tháng 11 mà tuyết ở Moscow vẫn chưa rơi. Trong khi đó tiền thuê chỗ bán hàng giờ đã là 500.000 rúp (khoảng 200 triệu đồng) mỗi tháng. Đó là chưa kể các khoản chi tiêu hàng ngày, tiền thuê nhà ở, trả lương cho nhân viên bán hàng.
“Gay quá anh ạ”, anh nói. “Đã thế khách hàng còn thử chán chê, có khi mua áo của mình xong rồi còn quay lại trả, vì đầu kia hàng hạ giá hơn.”
Chị Hồng Liên ở chợ Liu cũng cho biết "có khách Nga đã thử, trả tiền mua một chiếc áo ấm màu đen kiểu cách mới với giá 2.300 rúp, tức là đã rẻ hơn bình thường đến 200 rúp, nhưng 10 phút sau quay trở lại trả áo".
Quần áo mùa đông ở các chợ người Việt tại Moscow năm nay có nhiều dáng mới, đẹp, màu sắc bắt mắt, và chủ yếu do các chủ xưởng may Việt Nam sản xuất tại vùng ngoại ô và các thành phố gần thủ đô. Anh Hợi nói “mẫu mã, chất lượng của hàng do người Việt làm giờ cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc.”
Tuy nhiên, một chủ hàng ở chợ Liu nói, “giá hàng ăn theo giá đô, giá đô lên thì hàng cũng buộc phải tăng giá”. Anh cũng cho biết nếp cái hoa vàng, mì chính, nước mắm, đậu xanh, miến, mì tôm, gạo tám, gạo Thái, gạo ông Địa, cà muối đều phải tăng giá, do phí vận chuyển tính theo tỷ giá USD.
Tại Trung tâm thương mại Dubropka khách vào ra cũng thưa thớt. Tiền thuê chỗ bán hàng tăng so với trước. Anh chị Tiến bán quần áo da cho biết “quầy nhìn thế này thôi mà bọn em thuê lại mỗi tháng phải trả 200.000 rúp (tương đương 80 triệu đồng) đấy, cực lắm mà vẫn phải chiến đấu, bởi về nhà bây giờ cũng khó làm ăn lắm, biết chạy đi đâu? Lại còn con cái, bố mẹ già.”
Chuyện giá USD tăng, rúp mất giá ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Không ít người thuê nhà gặp phải gia chủ tính tiền thuê theo USD quy ra rúp. Thuê căn hộ một buồng với giá 1.000 USD mỗi tháng, trước quy ra rúp là 32.000 nay đã tăng lên 53.000 rúp. Trong khi đó đồng USD được dự đoán còn tăng nữa.
Chị Phương, một người đi thuê nhà ở Moscow, có công việc làm ăn ổn định, than thở, “tình hình này nếu cứ kéo dài, khéo mẹ con em đến nước phải cuốn gói về Việt Nam”.
Một số nhà hàng của người Việt trả tiền thuê nhân viên theo USD cũng lao đao khi đồng rúp mất giá. Chủ nhà hàng “Nem” phải thuê mặt bằng hàng tháng, trả lương cho nhân viên theo USD trong khi chưa thể tăng giá đồ ăn theo đồng rúp do lo sợ mất khách. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm mua hàng ngày từ Việt Nam sang đều có giá bán quy theo đôla.
Không chỉ riêng người Việt
Theo dự đoán của chính phủ Nga, tình hình kinh tế sắp tới sẽ còn gặp khó khăn, phức tạp hơn, trong bối cảnh khủng hoảng ở nước Ukraine láng giềng chưa có lối thoát và căng thẳng Nga và phương Tây chưa thể lắng dịu.
Giá dầu quốc tế rớt xuống dưới 70 USD một thùng sau cuộc họp cuối tuần qua tại Vienna, Áo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), gây ảnh hưởng lớn tới đồng rúp của Nga.
Cuộc sống của người dân Nga cũng bị xáo trộn khi một số mặt hàng thực phẩm thiết thực tăng giá. Nhiều mặt hàng ưa thích và rẻ như bơ, pho mát, sữa, thịt bò, cừu, gia cầm, hoa quả nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, do cấm vận, đã bị ảnh hưởng. Người dân Nga đã bắt đầu chi tiêu tiết kiệm hơn.
Bà Galina, 70 tuổi, cư dân Moscow, than thở “đồng lương hưu trí của tôi vốn đã còm cõi giờ eo hẹp hơn. Ra cửa hàng mua đồ ăn mà phải đi tới đi lui mấy bận.”
Võ Hoài Nam (từ Moscow)