Sau chiến thắng tại cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3/5 ở bang Indiana trước thượng nghị sĩ Ted Cruz và thống đốc bang Ohio John Kasich, tỷ phú Donald Trump gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Sự bỏ cuộc của hai đối thủ sau đó càng khiến ông trùm bất động sản rảnh tay để tập trung đối phó với "đối thủ lớn" của đảng Dân chủ, nhiều khả năng sẽ là cựu Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, theo Slate.fr.
Bình luận viên chính trị kỳ cựu Jeremy Stahl cho rằng bài diễn văn mừng chiến thắng của ông Trump báo hiệu một chiến dịch tổng tấn công của ứng viên đảng Cộng hòa nhằm vào bà Clinton, nội dung công kích chủ yếu sẽ xoay quanh thương mại và việc làm, lĩnh vực được đánh giá là điểm yếu lớn nhất của cựu ngoại trưởng Mỹ.
"Bà ấy sẽ không phải là một tổng thống tuyệt vời. Bà ấy sẽ là một tổng thống nghèo. Bà ấy không hiểu về thương mại và chồng bà ấy (cựu tổng thống Bill Clinton) có lẽ đã ký vào một trong những hiệp định thương mại tồi tệ nhất thế giới là hiệp định Tự do thương mại bắc Mỹ (NAFTA)", ông Trump chỉ trích.
Theo Stahl, ông Trump dường như đã phát hiện ra thế mạnh trong thương mại và việc làm của mình từ hồi tháng 3 với những tuyên bố khẳng định ông sẽ là ứng viên đáng lựa chọn nhất của tầng lớp công nhân Mỹ và là người duy nhất có thể mang lại việc làm và bảo vệ quyền lợi của họ.
"Apple và các tập đoàn lớn khác của nước Mỹ sẽ sản xuất sản phẩm của họ tại chính nước Mỹ chứ không phải ở Trung Quốc hay một nước nào khác", ông Trump tuyên bố.
Nhờ đó, tỷ phú Trump đã giành được sự ủng hộ đáng kể của các cử tri của đảng Cộng hòa, khi họ cho rằng ông là người duy nhất có lợi thế trước cựu Ngoại trưởng Mỹ trong vấn đề thương mại và có khả năng chiến thắng trước đối thủ cao hơn so với hai ứng viên là Ted Cruz và John Kasich.
Và nay, ứng viên đảng Cộng hòa đang tiếp tục khai thác triệt để vấn đề khi công kích các chính sách và phát ngôn của bà Clinton liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
"Tôi đã xem bà ấy phát biểu cách đây ba hoặc 4 tuần, bà ấy nói về các thợ mỏ như thể họ chỉ là các con số. Bà ấy muốn đóng cửa các hầm mỏ và không để những công nhân có việc làm. Còn tôi, tôi sẽ làm điều ngược lại. Các bạn sẽ phải tự hào khi là những thợ mỏ", ông Trump khẳng định.
Cánh cửa hẹp
Chuyên gia Bérengère Viennot của Slate.fr cho rằng xét trên tổng thể, ông Trump khó có khả năng giành chiến thắng trước ứng viên của đảng Dân chủ.
Ngày 3/5, để chuộc lỗi từ phát ngôn yêu cầu các hầm mỏ đóng cửa và nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong mắt các công nhân, bà Clinton đã có chuyến công du hai ngày tới miền đông rặng núi Apalache, nơi các thông điệp chống tự do thương mại và thân thiện với ngành công nghiệp than của tỷ phú Trump thu đuợc cảm tình của cử tri vùng có kinh tế khó khăn này.
Trong chuyến công du, bà Clinton hứa đưa việc làm tới miền đông Apalache và giúp dân trong vùng thích ứng với làn sóng phá sản của ngành than và các thay đổi của thị trường năng luợng. Nỗ lực của bà đã nhận được nhiều cảm thông của cử tri trong vùng.
Bên cạnh đó, cựu ngoại trưởng Mỹ, người nhiệt tình ủng hộ hiệp định tự do thương mại giữa Mỹ với 11 thành viên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, lại đang yêu cầu xem xét lại TPP. Động thái này được cho là biện pháp đối phó hiệu quả với chiến lược công kích đến từ phe Cộng hòa, cũng như nhằm thu hút thêm cử tri Mỹ.
Theo một báo cáo của Bloomberg mới đây, có tới hai phần ba số người Mỹ phản đối việc tự do hóa thương mại, và 44% đánh giá rằng chính sách kinh tế dưới thời của cựu Tổng thống Bill Clinton với hiệp định Tự do thương mại bắc Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này, trong khi chỉ có 29% có quan điểm ngược lại.
"Tỷ phú Trump có rất ít cơ hội chiến thắng trước ứng viên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng, thương mại và việc làm sẽ là lĩnh vực duy nhất có thể giúp ông trùm bất động sản giành lợi thế trước cựu ngoại trưởng Mỹ", Viennot khẳng định.
Nguyễn Hoàng