Bài phát biểu về chính sách ngoại giao quan trọng đầu tiên của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/4 đã tạo nên một cơn chấn động trên chính trường thế giới, khiến không ít đồng minh của Mỹ cảm thấy hoang mang, theo Reuters. Những nước này từ lâu vẫn coi khẩu hiệu "đặt nước Mỹ lên hàng đầu" mà ông Trump theo đuổi là một mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu khi mà ở đó, Washington rút lui và không can thiệp vào các vấn đề của thế giới.
Trong khi hầu hết chính phủ các nước tỏ ra thận trọng, tránh bình luận công khai về bài diễn văn của ông Trump thì Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lại thẳng thắn bày tỏ mối lo lắng của ông về những phát ngôn mà tỷ phú này đưa ra.
"Tôi chỉ mong chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ không thiếu vắng những nhận thức thực tế", ông nói. "Cấu trúc an ninh thế giới đã thay đổi và không còn chỉ dựa trên hai cột trụ nữa", ngoại trưởng Đức nhận xét. "Không tổng thống Mỹ nào có thể thay đổi cấu trúc an ninh thế giới... Chính sách 'đặt Mỹ lên hàng đầu' lại càng không phải câu trả lời".
Cựu bộ trưởng ngoại giao và thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cho biết ông cảm thấy bài phát biểu của Donald Trump đang "xa rời cả các đồng minh dân chủ lẫn những giá trị dân chủ".
Đặt nước Mỹ lên hàng đầu
Tỷ phú Trump thường nói chuyện kiểu tùy hứng trong các cuộc vận động tranh cử trước công chúng, nhưng lần này, bài phát biểu về chính sách đối ngoại của ông lại được chuẩn bị trước bằng văn bản. Sự thay đổi tưởng chừng như nhỏ nhặt đó cho thấy dường như nhà tài phiệt Mỹ đang muốn thể hiện rằng ông cũng là một chính trị gia rất nghiêm túc, cây bút Peter Graff từ Reuters đánh giá.
Ông hứa sẽ theo đuổi "một chính sách ngoại giao chuẩn mực, có cân nhắc và phù hợp", trái ngược với những chính sách "thiếu định hướng, thiếu thận trọng và không có mục tiêu rõ ràng" của Tổng thống Barack Obama hay cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bà Clinton cũng đang tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng và hiện giành được hàng loạt chiến thắng vang dội trong các vòng bầu cử sơ bộ.
Bài phát biểu không đề xuất những chính sách mới gây chấn động như những phát ngôn mà ông từng đưa ra về việc cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ hay xây tường chắn tại biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.
Những thứ mà ông nhấn mạnh trong bài phát biểu, ví dụ như phủ nhận các điều khoản của bản thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran hồi năm ngoái, kêu gọi tăng cường đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu hay cáo buộc chính quyền Obama ủng hộ Israel một cách hờ hững, đều đi theo định hướng thống nhất của đảng Cộng hòa.
Một trọng tâm khác mà ông Trump đề cập là việc các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên dành ít nhất 2% giá trị kinh tế cho quốc phòng. Đây là vấn đề mà bản thân chính quyền Obama cũng từng nêu ra. Tổng thống Mỹ thậm chí còn nhắc lại điều này trong chuyến công du châu Âu tuần trước.
Dù vậy, các tuyên bố của ông, đặc biệt là phát ngôn "đặt nước Mỹ lên hàng đầu", vẫn khiến nhiều quốc gia đồng minh cảm thấy bất an, đặc biệt là những nước có nền quốc phòng phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Washington. Tôn chỉ "đặt nước Mỹ lên hàng đầu" từng được các chính trị gia theo chủ nghĩa biệt lập sử dụng vào những năm 1930 nhằm giữ Mỹ đứng ngoài Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han, người hiện giảng dạy tại Đại học Seoul, cho rằng ông Trump sẽ là "ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên theo chủ nghĩa biệt lập, trong khi tất cả các tổng thống Mỹ thời kỳ hậu chiến đều là những người theo chủ nghĩa quốc tế hóa ở một mức độ nào đó".
"Nếu Mỹ không tham gia vào những vấn đề bị coi là gánh nặng cho mối quan hệ của họ với các đồng minh, điều này cũng gần giống với việc họ đang bỏ rơi đồng minh vậy", ông bình luận. "Làn sóng chống Mỹ trên toàn thế giới chắc chắn cũng vì thế mà dâng cao thêm".
Xenia Wickett, chuyên gia cao cấp tại viện chính sách Chatham House, Anh, đánh giá, bài phát biểu cho thấy một thực tế là "ông Trump sẽ khiến các đồng minh của Mỹ yếu thế thay vì vững vàng hơn trước".
Trump "nói về chuyện các đồng minh đang ngày càng độc lập nhưng lời lẽ của ông lại thể hiện rằng Mỹ sẽ trở nên khó đoán và các đồng minh cần tự thân vận động để bảo vệ chính mình".
Thảm họa
Tại thời điểm cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Mỹ mới bắt đầu, các lãnh đạo thế giới không ngần ngại chỉ trích công khai những bình luận của Trump, nhưng đến nay, khi mà triển vọng trở thành người đại diện đảng tranh cử tổng thống Mỹ của ông ngày một rộng mở, các quan chức châu Âu đã thận trọng hơn khi đưa ra bình luận trước công chúng. Song, tâm lý bất an vẫn còn đó, chỉ có điều chúng được tiết chế và thể hiện kín đáo hơn trước, theo Reuters.
Viễn cảnh Donald Trump làm tổng thống sẽ là "thảm họa cho mối quan hệ Mỹ - châu Âu", một quan chức cấp cao phương Tây giấu tên nhận định.
"Hiện tại, chúng tôi và chính quyền Obama nhìn chung có sự thấu hiểu lẫn nhau. Tôi không nghĩ chúng tôi có thể hiểu được Donald Trump. Ông ấy cũng không am tường về sự tinh tế cũng như tính chất phức tạp của chính sách ngoại giao châu Âu".
Tuy nhiên, một số chính sách mà ông Trump đưa ra cũng nhận được sự tán đồng của dư luận quốc tế.
Ryszard Terlecki, người đứng đầu nhóm nghị viện thuộc đảng cầm quyền cánh hữu Ba Lan, cho hay ông Trump cũng có ý đúng khi phê phán chính quyền Obama xa rời các kế hoạch củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa.
Israel từng phản đối gay gắt bản thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama ký với Iran, vậy nên bài phát biểu của ông Trump cũng được nước này hưởng ứng phần nào.
"Ông Trump muốn một nước Mỹ đứng đắn, mạnh mẽ, trung thành nhưng không khờ khạo. Và ông ấy đã thấy Israel chính là đồng minh trung thành nhất của Mỹ", Boaz Bismuth, phóng viên đối ngoại từ nhật báo Israel Hayom, viết.
Cộng đồng các nước Arab đồng tình với quan điểm phản đối bản thỏa thuận hạt nhân Iran mà Trump đưa ra nhưng mặt khác, họ cũng không hề che giấu cảm xúc căm ghét nhà tài phiệt này bởi ông từng có lần lên tiếng kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.
Theo nhà phân tích chính trị Emirati Abdulkhaleq Abdullah, đến lúc này thì không bài phát biểu nào đủ sức lấy lại uy tín cho ông Trump. "Ông ta là một kẻ phân biệt chủng tộc và không bao giờ được chào đón trong thế giới Arab", Abdullah nói.
Hay như một người dùng mạng xã hội Twitter ở Kuwait có tên Mohammed al-Ammar viết, "Vài điều trong bài phát biểu của Trump thật sự chính xác và có lý lẽ nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ ông ấy là Donald Trump".
Xem thêm: Lãnh đạo thế giới hoang mang và hoài nghi với Donald Trump
Vũ Hoàng