Trong hội nghị do Viện Lowy, viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu Australia, tổ chức hôm 6/10, giám đốc điều hành Michael Fullilove đặt câu hỏi với Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky rằng liệu ông có tin khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống Ukraine và muốn NATO làm gì hơn nữa để ngăn chặn Moskva sử dụng loại vũ khí này.
"NATO nên làm gì ư? Đó là loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Zelensky trả lời qua video. "Tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế, như đã làm trước ngày 24/2, chúng ta cần tấn công phủ đầu để họ biết điều gì sẽ xảy ra nếu sử dụng vũ khí hạt nhân".
"Đừng chờ đợi các cuộc tấn công hạt nhân của Nga. Hãy xem xét lại cách gây áp lực. Những gì NATO nên làm là xem xét lại trình tự gây áp lực với Nga", Tổng thống Ukraine nói thêm.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng bình luận của Tổng thống Ukraine "chẳng khác nào nỗ lực châm ngòi chiến tranh thế giới, có thể dẫn đến hậu quả tai hại không thể lường trước". Điện Kremlin kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Anh, chú ý đến các tuyên bố của ông Zelensky và phải chịu trách nhiệm về lời nói của Tổng thống Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc ông Zelensky cố kích động chiến tranh hạt nhân, cho rằng Tổng thống Ukraine đã được "bơm đầy vũ khí" và "có thể hủy diệt hành tinh".
Văn phòng của ông Zelensky sau đó giải thích rằng Tổng thống không kêu gọi tấn công hạt nhân phủ đầu Nga. "Tổng thống chỉ nói về khoảng thời gian cho đến ngày 24/2. Khi đó cần thực hiện biện pháp phòng ngừa để ngăn Nga phát động chiến tranh. Hãy để tôi nhắc lại rằng các biện pháp duy nhất được thảo luận vào thời điểm đó là biện pháp trừng phạt phòng ngừa", thư ký báo chí Serhiy Nikiforov đăng Facebook.
Phương Tây cho rằng mối đe dọa hạt nhân gia tăng từ ngày 30/9, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký văn kiện sáp nhập 4 tỉnh ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson vào lãnh thổ. Điện Kremlin cho rằng các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý có ý nghĩa pháp lý và cũng tạo ra các tác động về an ninh, ám chỉ cảnh báo rằng Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" sau khi sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.
Huyền Lê (Theo RT, AFP, News.com.au)