Các nhà đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ở Hà Nội vào ngày 27 và 28/2. Thỏa thuận nhiều khả năng bao gồm một tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ công bố những bước đi có thể kiểm chứng được nhằm chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân, Los Angeles Times dẫn lời những quan chức Mỹ cả đương nhiệm và đã về hưu cho hay.
Tuy nhiên, hai tuần trước hội nghị, những vấn đề gây tranh cãi giữa Bình Nhưỡng và Washington về việc hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất là Mỹ sẽ chấp nhận nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên trước hay sau khi Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi cần thiết để chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân?
Lãnh đạo Mỹ - Triều đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi họ gặp thượng đỉnh lần đầu ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, nhưng lại không đưa ra được các bước tiến hành cụ thể để đạt tới mục đích này.
Giới chuyên gia lo ngại Trump, trong nỗ lực lần hai nhằm đạt được đột phá ngoại giao với Kim, sẽ đồng ý với một tuyên bố hòa bình không thực chất và nhượng bộ quá nhiều trước lãnh đạo Triều Tiên mà không thể thu được bất kỳ cam kết nào từ phía Bình Nhưỡng.
"Thảo luận về phi hạt nhân hóa hiển nhiên là phần khó nhất", một quan chức Mỹ am hiểu về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tiết lộ.
"Điều tôi lo lắng là Tổng thống Trump có thể dùng tuyên bố hòa bình như cách để đề cao thành công tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam với một thông báo bất ngờ kết thúc cuộc chiến 70 năm", Jung Pak, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho hay.
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng hiệp định đình chiến mà chưa từng có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.
Joel Wit, nhà cựu ngoại giao Mỹ, tin rằng một tuyên bố hòa bình chỉ là bước đầu tiên trong con đường dài phía trước dẫn đến mục tiêu chấm dứt mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Tuyên bố hòa bình đang được thảo luận nhiều khả năng sẽ là tuyên bố chính trị chứ không phải hiệp ước hòa bình, bởi một hiệp ước sẽ cần đến sự thống nhất của tất cả các bên tham gia ký hiệp định đình chiến năm 1953 và cần quốc hội Mỹ cùng Liên Hợp Quốc phê chuẩn.
Giới phân tích suy đoán Kim Jong-un sẽ đòi hỏi từ Trump nhiều hơn là một tuyên bố hòa bình, đồng thời gây áp lực để Tổng thống Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt hay giảm số lượng binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc.
"Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất đối với các nhà quan sát Triều Tiên là Trump sẽ trao đi những tấm vé lớn, ví dụ như cam kết giảm quân", Suzanne DiMaggio, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Carnegie về Hòa bình Quốc tế, bình luận. "Đây là một trong những quân bài quan trọng nhất chúng ta có thể đặt lên bàn thảo luận và đến nay chúng ta vẫn chưa thấy Triều Tiên sẵn sàng trao đi những gì".
Theo giới chuyên gia, để xóa bỏ năng lực vũ khí hạt nhân và chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên cần tới khối lượng công việc khổng lồ và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Kim Jong-un sẽ chấp thuận điều này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước cho biết các quan chức Mỹ đã "có nhiều cuộc thảo luận" với đối tác Triều Tiên về tuyên bố hòa bình. Ông hy vọng Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thảo luận về "phi hạt nhân hóa" và "cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên" tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội.
Giới phân tích nhận định Kim có thể đồng ý cho ngừng hoạt động hoặc tháo dỡ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, cơ sở làm giàu urani chính của nước này. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn còn đó hàng chục cơ sở phát triển tên lửa và hạt nhân khác.
Lãnh đạo Triều Tiên chưa công khai phát đi tín hiệu nào cho thấy ông sẽ để các thanh sát viên quốc tế vào nước này để kiểm tra các bãi thử hay xác minh việc loại bỏ các cơ sở hạt nhân, tên lửa. Chính phủ Triều Tiên hồi năm 2009 đã trục xuất các thanh sát viên Liên Hợp Quốc sau khi nỗ lực thúc đẩy giải trừ vũ khí trước đó sụp đổ.
Victor Cha, người tham gia các cuộc thảo luận với Triều Tiên dưới thời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, cho rằng Kim và đội ngũ của ông sẽ "tùy cơ ứng biến" trên bàn thảo luận với Trump. "Thứ họ mong muốn là lãnh đạo Triều Tiên có thể bắt nhịp với Tổng thống Trump vào đúng thời điểm và thuyết phục ông cam kết điều gì đó", Cha nhận xét.
Giới chức Mỹ lâu nay coi thỏa thuận nhằm kết thúc chiến tranh Triều Tiên là một công cụ để trấn an Bình Nhưỡng rằng Washington không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với họ, để từ đó thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Nhưng theo Abraham Denmark, quan chức Lầu Năm Góc phụ trách các vấn đề liên quan đến châu Á dưới thời tổng thống Barack Obama, giới chức Triều Tiên coi sự đảm bảo trên là "không đáng tin cậy". Ông dẫn chứng việc lãnh đạo Libya Moammar Kadafi hồi năm 2003 tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng sau đó bị lật đổ bởi một chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ hậu thuẫn vào năm 2011.
Thay vào đó, Triều Tiên dường như sẽ đặt mục tiêu thoát khỏi lệnh trừng phạt với kỳ vọng rằng họ có thể thuyết phục Tổng thống Trump nới lỏng các biện pháp cô lập về kinh tế mà không phải đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, Denmark đánh giá.