Mỹ áp thuế 15% với khoảng 110 tỷ USD hàng Trung Quốc từ hôm 1/9. Đây là lần đầu tiên Mỹ áp thuế với các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, đồ may mặc, giày dép và hàng điện tử. Trump khẳng định động thái cứng rắn của mình với Trung Quốc là cần thiết và nói rằng "Mỹ đang chiến thắng".
Tuy nhiên, các công ty Mỹ đã phải cắt giảm chi phí, ngừng đầu tư và tăng dự trữ hàng để giảm bớt tác động từ chiến tranh thương mại. Một số công ty hoãn các kế hoạch như mở rộng quy mô hay xây dựng nhà máy. Cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho thấy các công ty đang "định tuyến lại chuỗi cung ứng và chuyển địa điểm sản xuất để né cuộc chiến thương mại", nhưng những động thái này có thể mất nhiều năm để thực hiện.
Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc không trả thuế trực tiếp cho Mỹ. Tiền thuế được các công ty đăng ký tại Mỹ đóng cho hải quan Mỹ khi hàng hóa vào nước này. Để giảm gánh nặng thuế, các nhà nhập khẩu sẽ thực hiện một số điều chỉnh, như tăng giá đối với đối tác và người tiêu dùng Mỹ.
David French, phó chủ tịch cấp cao về quan hệ chính phủ tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, hiệp hội bán lẻ lớn nhất thế giới cho rằng "các công ty sẽ không có sự lựa chọn nào ngoài tăng giá".
Tại công ty bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng Mỹ Best Buy, giá cổ phiếu giảm gần 20% kể từ khi Mỹ - Trung bắt đầu căng thẳng trở lại vào cuối tháng 7. Mức thuế ngày 1/9 tác động đến tivi, đồng hồ thông minh và tai nghe. Từ ngày 15/12, hàng hóa gắn liền với máy tính, điện thoại di động và máy chơi game sẽ bị ảnh hưởng.
Khoảng 60% tổng giá vốn hàng bán (tổng chi phí tạo ra sản phẩm) của Best Buy đến từ Trung Quốc. Nhiều nhà cung cấp của Best Buy đang muốn chuyển công đoạn sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
American Outdoor Brand, công ty sở hữu thương hiệu súng Smith & Wesson, tuần này nói với các nhà đầu tư rằng họ không đạt được chỉ tiêu quý do tác động của thuế quan. Dollar Tree, cửa hàng bán lẻ đồng giá một USD, đã tăng mức hàng tồn kho trong quý hai khoảng 15%, vì họ đã nhập khẩu thêm hàng để dự trữ trước khi đòn thuế có hiệu lực. Họ ước tính đợt thuế nhập khẩu mới nhất sẽ khiến công ty mất 26 triệu USD.
Để trả đũa đòn thuế của Mỹ, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và ngô, khiến nông dân Mỹ mất khách hàng. Các công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp như Deere & Co. sẽ cắt giảm 20% sản lượng vào nửa cuối năm 2019.
Các sản phẩm nông nghiệp Mỹ như tôm hùm, các loại hạt và rượu vang cũng bị áp Bắc Kinh áp thuế trả đũa. Thị trường Trung Quốc trở nên cởi mở hơn với hàng nhập khẩu từ các nước cạnh tranh như Canada. Công ty sản xuất và phân phối thực phẩm Del Monte Food cho biết họ sẽ đóng cửa các nhà máy ở Mỹ và sa thải hàng trăm công nhân để giảm chi phí, một phần lý do là tác động của thuế quan.
Các công ty trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hãng chip máy tính Intel cho biết trong cuộc họp quý hai rằng doanh thu của họ tăng vì khách hàng ồ ạt đặt hàng vào nửa đầu năm, do lo ngại giá sẽ tăng với mức thuế mới vào nửa năm sau.
Cổ phiếu Apple đã tăng khi Trump hoãn thuế với các mặt hàng mà họ kinh doanh như điện thoại di động cho đến ngày 15/12, sau khi Apple có kế hoạch ra mắt mẫu iPhone mới vào tháng 9.
Khoảng 92% hàng may mặc được bán ở Mỹ cùng với 68% hàng dệt may gia đình và 53% giày dép phải chịu mức thuế mới. Điều này khiến các siêu thị như Walmart, Macy và J.C.Peyey cảnh báo rằng giá quần áo sẽ tăng.
Hơn 200 nhà sản xuất và bán lẻ giày dép Mỹ đã gửi thư cho Trump vào tuần trước, cảnh báo đòn thuế với Trung Quốc khiến người Mỹ phải trả thêm 4 tỷ USD mỗi năm. "Chúng tôi đã nói với Nhà Trắng rằng người Mỹ sẽ phải gánh thuế quan vì giá cả sẽ tăng. Do thuế nhập khẩu của chúng tôi vốn đã cao, đây sẽ là một đòn giết chết công ăn việc làm", Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà phân phối và Bán lẻ giày dép Mỹ, nói.
"Rõ ràng thuế quan là một loại thuế ẩn do các cá nhân và gia đình Mỹ trả", lá thư gửi đến Trump có đoạn viết.
Phương Vũ (Theo CNBC/USA Today)