Trên "nóc nhà thế giới" Himalaya, một vụ ẩu đả quy mô lớn xảy ra giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hồi đầu tháng 5. Những vụ xô xát giữa binh sĩ hai nước dọc trên đường biên giới tranh chấp ở độ cao 4.000 m không phải điều quá bất thường, song những gì diễn ra tiếp theo lại không bình thường.
Vài ngày sau, binh sĩ Trung Quốc phải đối mặt lần nữa với những người lính Ấn Độ tại một số khu vực biên giới xa xôi khác trên dãy Himalaya, có những chỗ cách nơi xảy ra vụ ẩu đả lần trước hơn 1.600 km. Sau những vụ xô xát, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc gửi hàng nghìn quân tiếp viện lên khu vực biên giới. Giới chuyên gia Ấn Độ nói Trung Quốc tăng cường lực lượng với xe tải hạng nặng, máy xúc, xe chở quân, pháo cùng thiết giáp và đang "chiếm lãnh thổ Ấn Độ".
Hai bên tuân thủ quy tắc biên giới và chưa nổ phát súng nào, nhưng các vụ đụng độ dữ dội đã diễn ra bằng nắm đấm, gạch đá và gậy gộc. Trong vụ ẩu đả bên bờ hồ Pangong Tso, một số lính Ấn Độ bị thương nặng tới mức được cấp cứu bằng trực thăng, các chuyên gia nói binh sĩ Trung Quốc cũng bị thương.
Không ai nghĩ rằng Trung Quốc và Ấn Độ sắp xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, căng thẳng tích tụ bùng phát thành cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ năm 2017 và có thể là dấu hiệu cho thấy ngày càng có nhiều rắc rối hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, khi mâu thuẫn giữa hai quốc gia đông dân nhất tiếp tục tăng ở một trong những vùng biên giới xa xôi và ảm đạm nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/5 đăng trên Twitter đề nghị làm trung gian hòa giải "tranh chấp biên giới đang hoành hành" giữa Ấn Độ và Trung Quốc, dù không được cả hai nước yêu cầu. Ấn Độ sau đó khước từ đề nghị của Trump.
Những lần xâm nhập và điều động lực lượng của Trung Quốc dọc theo biên giới dài gần 3.400 km với Ấn Độ làm dấy lên nghi ngờ về một chiến dịch gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
Trong khi thế giới bận chiến đấu chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc đẩy mạnh hành động nhằm bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình, không chỉ trên dãy Himalaya. Tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 2/4 đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 bám đuôi tàu khoan của Malaysia. Bắc Kinh còn tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan và thúc đẩy dự luật an ninh mới cho đặc khu hành chính Hong Kong.
"Cuộc đối đầu với Ấn Độ phù hợp với kiểu hành xử quyết liệt của Trung Quốc", giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings Tanvi Madan nói và nhấn mạnh đây là lần đụng độ thứ tư giữa biên phòng hai nước kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi cuối năm 2012.
Chính phủ Ấn Độ tiết lộ ít thông tin về đụng độ ở khu vực biên giới, cho biết trong một thông cáo rằng "Trung Quốc gần đây có một số hành động cản trở các tuyến tuần tra thông thường của Ấn Độ". Giới chuyên gia nhận định Thủ tướng Modi, người thường thẳng thắn bảo vệ lợi ích của Ấn Độ, dường như muốn tránh leo thang với Trung Quốc.
"Các vụ đụng độ và ẩu đả với Ấn Độ dường như phản ánh tính toán của Trung Quốc rằng quốc gia Nam Á đang đối phó với số ca nhiễm nCoV tăng cùng suy thoái kinh tế nên sẽ không tự đẩy mình vào một cuộc xung đột biên giới", chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi Brahma Chellaney nói.
Chellaney cho rằng tất cả việc này có thể là "cách Bắc Kinh gửi thông điệp chính trị" tới New Delhi rằng đừng xích lại quá gần Washington, cũng như đừng ủng hộ những lời chỉ trích cách Trung Quốc xử lý đại dịch mà Mỹ đưa ra.
Trước khi vụ ẩu đả xảy ra, Ấn Độ ngày càng nhận rõ Trung Quốc đang "bao vây" thông qua mở rộng ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị ở khu vực Nam Á. Ở phía tây, Trung Quốc đang hợp tác với Pakistan, đối thủ truyền thống của Ấn Độ. Gần đây Trung Quốc đồng ý giúp xây dựng một con đập khổng lồ ở đường biên khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, nơi Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
Ở phía đông, người bạn mới của Trung Quốc là Nepal vừa công bố bản đồ thách thức đường biên giới với Ấn Độ, khiến New Delhi cáo buộc Bắc Kinh đã khuấy động rắc rối. Nepal từng là đồng minh thân thiết của Ấn Độ, song Kathmandu xích lại gần Bắc Kinh sau những mâu thuẫn với New Delhi về hiến pháp mới năm 2015.
Tại vùng biển xa xôi hơn ở phía nam, Trung Quốc giành quyền sử dụng một đảo của Maldives, cách bờ biển Ấn Độ vài trăm km. Các chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết Trung Quốc bồi đắp hàng triệu tấn cát để mở rộng hòn đảo nhằm biến nó thành căn cứ không quân hoặc tàu ngầm. "Mục tiêu của Trung Quốc rõ ràng là gây áp lực lên Ấn Độ", cựu trung tướng lục quân Ấn Độ Deependra Singh Hooda nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ vì những căng thẳng gần đây, song vẫn cố tìm cách nói giảm về các vụ đụng độ. Điều này trái ngược hoàn toàn với lần đụng độ tại biên giới năm 2017, khi Ấn Độ và Trung Quốc ăn miếng trả miếng trong 73 ngày tại vùng biên giới trên dãy Himalaya, đoạn gần Buhtan, dẫn đến gia tăng nguy hiểm chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước.
"Lực lượng biên phòng Trung Quốc cam kết bảo vệ an ninh lãnh thổ và chủ quyền của đất nước, phản ứng kiên quyết với hành vi xâm nhập và xâm phạm của Ấn Độ, duy trì hòa bình và yên tĩnh", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triêu Lập Kiên nói sau khi báo cáo về đụng độ ở biên giới Trung - Ấn được công bố vào giữa tháng 5, kêu gọi Ấn Độ "kiềm chế và tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình".
"Nếu muốn đẩy đuổi người Trung Quốc, quân đội Ấn Độ sẽ phải phát động xung đột vũ trang", cựu đại tá lục quân Shukla nói, song cho rằng điều này không xảy ra và các tùy chọn của Ấn Độ "bị hạn chế bởi không muốn làm leo thang căng thẳng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 10/2019 cùng nhau uống nước dừa trong cuộc gặp thượng đỉnh ngắn ngủi ở miền nam Ấn Độ. Hai bên hy vọng mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp cả Ấn Độ và Trung Quốc đạt mục đích trong khát vọng nâng tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng trở nên cảnh giác với nhau, đặc biệt là khu vực hẻo lánh trên nóc nhà thế giới Himalaya. Ấn Độ gần đây tăng cường nâng cấp các con đường mà quân đội nước này dùng để đi qua những ngọn núi ở khu vực Ladakh, sát vùng Tây Tạng của Trung Quốc. Những con đường đó rất khó xây dựng, chúng chạy quanh co và vượt qua khu vực đầy sỏi đá trên thượng nguồn những con sông ở độ cao hơn 5.000 m.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc không có ý định khơi mào một cuộc chiến, mà chỉ cản trở dự án xây dựng đường tuần tra của Ấn Độ. Cuộc đua xây dựng những con đường ở vùng núi cao giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng trở nên quyết liệt. Vụ ẩu đả năm 2017 nổ ra khi lính Ấn Độ chặn đội làm đường của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp với Buhtan, đồng minh của quốc gia Nam Á.
Trung Quốc cũng nhạy cảm về biên giới với Ấn Độ do nó tiếp giáp hai khu vực mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm là Tân Cương và Tây Tạng. Căng thẳng bùng phát gần đây dường như xuất phát từ con đường dẫn đến đường băng của một tiền đồn biên giới ở cực bắc Ấn Độ, nơi từng diễn ra đụng độ biên giới năm 2013.
Trung Quốc và Ấn Độ thiết lập các cơ chế giải quyết xung đột biên giới từ năm 1962 sau Chiến tranh Trung - Ấn. Trong cuộc chiến này, Ấn Độ chịu thiệt hại nặng.
"Chưa một phát súng nào được bắn trong nhiều năm", chuyên gia Madan nói và cho biết thương vong cuối cùng trong các lần xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1975. Tuy nhiên, căng thẳng có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
"Tất cả xung đột đang diễn ra trong khu vực mà hai nước từng đụng độ vũ trang trong cuộc chiến năm 1962", Madan nói. "Cả hai bên vẫn còn rất nhiều món nợ liên quan đến cuộc chiến".
Nguyễn Tiến (Theo NYT)