Một quân nhân Trung Quốc ngày 31/5 đăng lên mạng xã hội WeChat ảnh các binh sĩ nước này cầm gậy đứng gần nhiều lính Ấn Độ bị trói chặt tay chân nằm dưới mặt đất sau vụ ẩu đả gần hồ Pangong Tso. Binh sĩ này đăng chú thích kèm các bức ảnh là "phía Trung Quốc chỉ có một người bị xây xát, nhưng hàng chục lính Ấn Độ đã trọng thương".
Nhiều trang quân sự Trung Quốc sau đó đăng lại các hình ảnh "lính Trung Quốc hạ đo ván lính Ấn Độ" sau cuộc ẩu đả hồi tháng trước giữa hai bên tại khu vực tranh chấp ở hồ Pangong Tso.
Trước đó một ngày, phía Ấn Độ cũng đăng lên YouTube đoạn video binh sĩ nước này bắt một lính Trung Quốc, dường như bị đánh đập mạnh tay, sau cuộc ẩu đả bên hồ Pangong Tso, nằm ở độ cao 4.350 m trên dãy Himalaya. Video cho thấy chiếc xe bọc thép của Trung Quốc bị lính Ấn Độ đập phá, nhưng không tiết lộ thời điểm xảy ra vụ ẩu đả.
Hai nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết binh sĩ bị thương trong vụ tấn công là một phiên dịch viên, bị Ấn Độ bắt nhưng sau đó thả ra với các vết thương nhẹ sau khi Trung Quốc gọi tiếp viện.
Các nguồn tin cho hay binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc chuyển sang "đấu nhau" trên mạng xã hội để phô diễn "hành động dũng cảm" trong bối cảnh các lãnh đạo cấp cao muốn tìm cách hạ nhiệt tình hình tại khu vực tranh chấp giữa hai nước.
Một nguồn tin cho biết ảnh nhóm binh sĩ Ấn Độ bị thương được một người lính Trung Quốc đăng trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, không phải của quân đội Trung Quốc. "Bắc Kinh không muốn dân chúng nghĩ rằng lính Trung Quốc thua trong trận đấu, đồng thời lại muốn xuống thang căng thẳng", nguồn tin cho biết.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming cho hay các binh sĩ Trung Quốc tại biên giới đã được lệnh kiềm chế. "Trong các tranh chấp biên giới, Trung Quốc luôn muốn giữ nguyên trạng, đặc biệt hiện nay, khi hai bên nên làm tất cả những gì có thể để tránh xung đột vũ trang", Zhou nói. "Trung Quốc đang bận đối phó Covid-19 cùng các vấn đề khác như Đài Loan và Hong Kong, trong khi Ấn Độ cũng phải đối mặt với tình hình đại dịch nghiêm trọng".
Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia quan hệ quốc tế Ấn Độ, đồng tình với quan điểm của Zhou và cho rằng cả hai nước đều hiểu mức độ nghiêm trọng và nhạy cảm của tranh chấp biên giới.
"Các quan chức dân sự và quân sự của cả hai nước đã thảo luận theo các cơ chế hiện có. Tôi cho rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều hiểu rõ nguy cơ, nên xác suất nổ ra chiến tranh giữa hai nước là thấp", Chaturvedy nói. "Tuy nhiên, tình hình vẫn rất nghiêm trọng và Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 27/5 không phủ nhận thông tin nước này điều động quân đội tới gần khu vực tranh chấp, song nói tình hình chung ở khu vực biên giới Trung - Ấn "vẫn ổn định và được kiểm soát, hai nước có khả năng giải quyết các vấn đề biên giới thông qua đối thoại và đàm phán".
Xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang kể từ năm 2017, khi binh sĩ hai nước tham gia cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất ở khu vực Doklam, nơi Trung Quốc và Bhutan, một đồng minh của Ấn Độ, cùng tuyên bố chủ quyền.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)