Cộng đồng người Việt tại thành phố Seattle, bang Washington, hôm 11/1 tổ chức biểu tình trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump dự định thảo luận lại một hiệp ước với Việt Nam và trục xuất hàng nghìn người, trong đó có những người đến Mỹ thời chiến tranh, khi còn là những đứa trẻ mồ côi.
"Có những người chịu đựng tổn thương lớn hơn chúng ta tưởng. Chúng ta lại đang một lần nữa cố gắng làm tổn thương họ", My-Linh Thai, một người gốc Việt cũng là dân biểu bang, nói khi tham gia cuộc biểu tình.
Suốt hàng chục năm, Mỹ có chính sách không trục xuất người gốc Việt về nước. Năm 2008, Mỹ ký với Việt Nam hiệp ước cho phép trục xuất những người đến nước này sau ngày 12/7/1995, thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, những người đến Mỹ trước thời điểm đó sẽ không bị trục xuất, dù có tiền án tiền sự.
Chính quyền Trump, với quan điểm thắt chặt nhập cư, được cho là đang muốn thay đổi hiệp ước trên để trục xuất khoảng 8.000 người gốc Việt phạm tội đến Mỹ trước năm 1995. Trong số này không ít người có mặt ở Mỹ từ lúc còn nhỏ, thậm chí là mới chào đời nên không có mối liên hệ gì với Việt Nam.
Thu Van, một tư vấn viên Việt về nhập cư, cho rằng chính sách của Trump là sự trừng phạt tàn nhẫn những người đã là người Mỹ về mọi mặt chứ không riêng gì tư cách công dân của họ.
"Nỗ lực của Trump để lật ngược thỏa thuận 2008 giữa Mỹ và Việt Nam sẽ làm tan vỡ hàng nghìn gia đình Mỹ", Thu Van nói.
Kris Larsen, một trong các nhà tổ chức cuộc biểu tình và cũng là một người nhập cư có khả năng bị trục xuất, ước tính có 1.000 người ở bang Washington nằm trong diện có thể bị trả về Việt Nam. Đây là một trong các bang có lượng người Việt đông nhất ở Mỹ.
Joe Nguyen, thượng nghị sĩ bang và là con trai của một người Việt nhập cư, cho biết cơ quan lập pháp Washington đang tìm cách bảo vệ cộng đồng Việt Nam.
"Họ nói rằng họ muốn trục xuất những người có gia đình về một đất nước mà họ chưa bao giờ sống từ khi còn bé. Điều đó không đúng và chúng tôi biết rằng chúng tôi cùng nhau ở đây, chúng tôi tốt lên nhờ sự đa dạng của chúng ta. Bất chấp chính quyền liên bang nói gì, chúng tôi ở đây và vẫn ở đây", Nguyen nói.
Tung Nguyen cho hay ông đứng trước nguy cơ bị trục xuất nhưng sau đó được thống đốc bang California ân xá. Ông nói với đám đông rằng không có lý do gì những người đã sống cả đời ở Mỹ lại bị trục xuất, kể cả khi họ từng phạm tội.
"Những người Mỹ đang nhắm vào hiện nay, họ có tiền án giống như tôi nhưng đã học được bài học của riêng mình", ông nói. "Họ đã ra tù và tiến lên để trở thành một công dân tuân thủ pháp luật. Họ là những thành viên của cộng đồng giống như bất kỳ ai trong chúng ta".
Theo Jessica Do, một sinh viên gốc Việt, những hành động "tàn nhẫn và bất công" của Trump là một trong chiến lược lớn hơn chống lại người nhập cư Đông Nam Á.
"Trước đây, Mỹ đã thành công khi gây sức ép buộc Campuchia và Lào nhận lại người nhập cư thông qua việc cấm vận visa", Do nói. Phần đa những người bị trục xuất, đôi khi chỉ vì những vi phạm rất nhỏ, là những người tị nạn chiến tranh.
Cô thêm rằng lý do khiến nhiều người tị nạn đến Mỹ là vì những hành động chiến tranh của nước này với 3 quốc gia Đông Nam Á.
"Người nhập cư và tị nạn Đông Nam Á ở Mỹ là kết quả của chiến tranh và diệt chủng. Hiệp ước 2008 là một phần của nỗ lực nhân đạo nhằm bù đắp bạo lực ở khu vực này", nữ sinh nói.
Trước đó, cuộc biểu tình ở Seattle mở đầu bằng lễ cầu nguyện và bài phát biểu của 3 người bản địa đại diện cho các bộ tộc Duwamish, Paulous và Nez Perce.
"Việc chia rẽ các gia đình là không đúng. Họ chưa hỏi người bản địa chúng tôi nghĩ gì. Đây là vùng đất bản địa của chúng tôi và chúng tôi sẽ yêu cầu Trump tránh xa. Nhưng họ không hỏi ý kiến của chúng tôi và các bạn được chào đón ở đây", Roxanne White, thuộc bộ tộc Nez Perce, nói.