Cậu con trai hai tuổi của Victoria Martinez ngày nào cũng liến thoắng hỏi cô vì sao không thấy cha đâu. "Khi nào thì cha về hả mẹ?" cậu bé hỏi. Victoria không biết phải trả lời như thế nào. Cô chỉ khóc, Los Angeles Times đưa tin.
Sreang Ly, bạn trai của Victoria, là một người nhập cư gốc Campuchia, bị Cơ quan Di trú và Nhập cư (ICE) bắt giữ hồi đầu tháng 10 năm ngoái. Từng bị kết án tội tàng trữ súng trái phép, Sreang là một trong số hàng nghìn người Việt Nam và Campuchia đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước sau khi chính quyền của Tổng thống Trump siết chặt luật nhập cư, muốn gửi trả những cá nhân không phải công dân Mỹ và từng phạm tội trên đất Mỹ về quê hương của họ.
Tổng thống Trump vốn được biết đến vì những phát ngôn tiêu cực nhắm vào người nhập cư gốc Nam Mỹ. Ví dụ trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump tuyên bố sẽ xây bức tường biên giới với Mexico để ngăn những người nhập cư bất hợp pháp vượt biên vào Mỹ. Trump "đánh đồng" tất cả người nhập cư Mexico là "những tên tội phạm hãm hiếp" và buôn bán ma túy. Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng muốn chấm dứt DACA, đạo luật cho phép các trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trước 16 tuổi được ở lại đi học, làm việc hoặc tham gia vào quân đội. Chính sách này được gia hạn hai năm một lần. Hiện DACA đang bảo vệ khoảng 800.000 người, đa phần là người nhập cư gốc Nam Mỹ.
Theo các nhà hoạt động, động thái nhắm vào cộng đồng người nhập cư gốc Việt và Campuchia gây bất ngờ vì chưa từng có tiền lệ và khiến các cộng đồng nhập cư gốc Á khác hoang mang.
"Mọi người nghĩ rằng chỉ có nhóm Nam Mỹ mới có nguy cơ bị trục xuất. Nhưng tất cả những nhóm người nhập cư khác đều bị ảnh hưởng và chúng tôi không thể im lặng nữa", Laboni Hoq, giám đốc pháp lý của tổ chức hoạt động vì quyền dân sự của người Mỹ gốc Á Asian Americans Advancing Justice, phát biểu. "Đây là 'bài' chính trị. Chính quyền đang mở chiến dịch bố ráp chỉ để hiện thực hóa lời hứa của Tổng thống trong chiến dịch tranh cử. Họ đi tới từng cộng đồng để đánh động".
Gia đình của những người bị bắt cảm thấy nóng ruột. Họ muốn lên tiếng để công chúng chú ý đến nhóm người nhập cư gốc Á. "Đôi khi cộng đồng châu Á bị ngó lơ bởi vì chúng ta không nghĩ họ là nhóm có nguy cơ bị trục xuất", Posda Tuot, em họ của một người Campuchia thuộc diện trục xuất, nói. "Khi xảy ra cơ sự như thế này, chúng ta cần vận động hành lang để công chúng hiểu hơn về hoàn cảnh của họ".
Sean Commons, luật sự của hãng luật Sidley Austin, cho biết ông đã nghe "nhiều câu chuyện về những con người đang là trụ cột của cộng đồng địa phương, đang sống một cuộc sống khác, bỗng nhiên bị bắt đi và biến mất. Tại sao? Đáng nhẽ ra chính quyền nên thông báo trước. Họ không phải là mối nguy hại cho xã hội và cũng không có ý định bỏ trốn khi tại ngoại. Họ đã sống ở Mỹ từ lâu, nhiều người có bố mẹ, vợ chồng hoặc con cái đều là công dân Mỹ. Tại sao lại chia lìa những gia đình này?"
Cathee Khamvongsa cho biết ICE đã bắt giam chồng cô hồi tháng 10 năm ngoái. Người đàn ông năm nay 42 tuổi từng bị kết tội sở hữu súng ăn trộm vào năm 20 tuổi. Lúc bị bắt, Cathee cho biết chồng cô là một người nhiệt tình với công việc nhà thờ và hoạt động tình nguyện như phát đồ ăn cho người vô gia cư. May mắn, Thống đốc bang California sau đó đã ký lệnh ân xá cho anh.
"Dân châu Á đang phản kháng mạnh mẽ, không im hơi lặng tiếng như từ trước đến nay", Cathee nhận xét. "Nếu bạn vô hình, bạn sẽ không có sức mạnh chính trị".
Nhiều người nhập cư gốc Campuchia đến Mỹ từ những năm 1970 khi họ còn nhỏ. Lúc đó ở Campuchia, Khmer Đỏ đang tiến hành các cuộc thảm sát và diệt chủng cướp đi sinh mạng của gần hai triệu người.
"Điều khiến tôi cảm thấy sốc là khi bị bắt, nhiều người chỉ đang sống một cuộc sống bình lặng, khác hoàn toàn so với quá khứ phạm tội", Jenny Zhao, một luật sư của Asian Americans Advancing Justice, nói. "Chính quyền truy đuổi họ ráo riết. Tôi thấy giống như nạn bài ngoại".
Hơn 1.900 người Campuchia bị liệt vào danh sách bị bắt và trục xuất, theo số liệu của ICE. Trong số đó, khoảng 1.400 người từng bị kết án. Còn Campuchia chưa bao giờ nhận lại những người bị trục xuất từ bất cứ quốc gia nào.
Jenny Zhao lo ngại sẽ có thêm nhiều người gốc Á bị đưa vào diện trục xuất. "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến chính quyền trước có hành động ép các nước khác nhận lại công dân đến mức độ này", cô nói.
An Hồng