"Sử dụng đạn chứa uranium nghèo (DU) sẽ làm ô nhiễm diện tích đáng kể đất canh tác của Ukraine", trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng chống hóa học, sinh học và phóng xạ Nga, ngày 24/3 cho biết. "Điều này không chỉ gây hại cho người dân mà còn làm kinh tế Ukraine thiệt hại to lớn".
Theo tướng Kirillov, ngành nông nghiệp Ukraine có thể bị ảnh hưởng trong hàng thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ nếu binh sĩ nước này dùng đạn có thanh xuyên chứa DU.
"Dù biết rõ đạn chứa DU sẽ gây ra hậu quả không thể khắc phục với binh sĩ và dân thường Ukraine, các nước thành viên NATO, đặc biệt là Anh, vẫn tỏ ra sẵn sàng viện trợ loại đạn này", tướng Kirillov nói.
Mỹ từng sử dụng đạn chứa DU trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003-2004. Liên Hợp Quốc ước tính tổng khối lượng uranium nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. NATO khi tấn công Nam Tư năm 1999 từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn DU.
Theo tướng Kirillov, số người mắc ung thư tại Iraq năm 2005 tăng 40 lần so với trước. Tại các quốc gia từng thuộc Nam Tư, tỷ lệ ung thư tăng 25% sau chiến sự.
Việc dùng đạn chứa DU cũng tác động đến chính binh sĩ các nước thành viên NATO từng tham chiến tại Trung Đông và Balkan, với 4.095 người mắc ung thư, trong đó 330 người chết.
Tướng Kirillov đưa ra cảnh báo sau khi Anh ngày 21/3 cho biết dự định chuyển cho Ukraine đạn thanh xuyên giáp chứa DU sử dụng trên xe tăng chủ lực Challenger 2, khẳng định loại đạn này có hiệu quả cao trong tiêu diệt tăng thiết giáp hiện đại.
Thông báo của phía Anh lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga. Giới quan sát nhận định phản ứng dữ dội của Nga dường như xuất phát từ nỗi lo về khả năng xuyên phá cũng như mức độ độc hại của đạn uranium nghèo khi được sử dụng trên chiến trường.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân, có tỷ lệ đồng vị phóng xạ U235 dưới 0,3%, thấp hơn so với mức 0,72% trong quặng tự nhiên.
Thành phần chính của DU đồng vị U238 không có khả năng phân hạch và tính phóng xạ thấp hơn. Nhờ độ đặc cao hơn gần 70% so với chì, DU được sử dụng trong lĩnh vực quân sự để tăng khả năng xuyên phá của đầu đạn, chống lại các loại giáp trên xe tăng.
Bộ Cựu binh Mỹ cho biết DU phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.
Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, RIA Novosti)