Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 25/5 cho biết hai đồng minh châu Âu là Đan Mạch và Hà Lan đã "quyết định tiên phong" trong xây dựng kế hoạch huấn luyện phi công Ukraine vận hành tiêm kích F-16, trong khi các quốc gia khác cam kết hỗ trợ.
"Na Uy, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ba Lan đã đề nghị đóng góp cho chương trình đào tạo phi công. Chúng tôi mong đợi thêm nhiều nước sẽ tham gia sáng kiến quan trọng này", ông Austin nói.
Đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho hay các nước sẽ chuyển giao 10 tiêm kích F-16 cho Ukraine, đồng thời tính toán chi phí của nỗ lực này. "Cần một tỷ USD để mua số tiêm kích đó, việc duy trì hoạt động mất thêm một tỷ USD, do đó cần hai tỷ USD cho 10 chiếc F-16", ông nói.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế - chính trị và các yếu tố khác.
Khi được hỏi liệu quốc hội Mỹ có hỗ trợ kinh phí cần thiết để Ukraine nhận tiêm kích F-16 hay không, Bộ trưởng Austin nói "đây là nỗ lực quốc tế". "Đồng nghiệp của chúng tôi đang tìm cách thành lập quỹ để các nước khác có thể đóng góp cho nỗ lực chung. Tôi hy vọng quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ", ông Austin cho biết.
Tướng Milley cùng các chỉ huy quân sự Mỹ khẳng định tiêm kích hiện đại không phải chìa khóa để Ukraine thay đổi cục diện xung đột với Nga. "Không có loại nào được gọi là vũ khí thần kỳ, F-16 hay bất cứ thứ gì khác cũng vậy", ông Milley nói.
Quan chức Nhà Trắng ngày 20/5 cho biết Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ các đồng minh cùng đối tác đào tạo phi công và chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine. Liên minh các quốc gia tham gia nỗ lực nói trên "sẽ quyết định thời điểm chuyển giao tiêm kích, số lượng và bên cung cấp".
Quyết định của Mỹ được đánh giá là đặc biệt quan trọng, do các đồng minh cần Washington phê duyệt việc tái xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự sang nước thứ ba, trong đó có tiêm kích F-16.
Mỹ dẫn đầu liên minh viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Phương Tây đã chuyển tới Ukraine lượng vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD, trong đó có xe tăng chủ lực, thiết giáp, tên lửa phòng không và tên lửa hành trình tầm xa.
Tuy nhiên, Mỹ từng phản đối cung cấp tiêm kích tiên tiến cho Ukraine do lo ngại tiến trình kéo dài và tốn kém, cũng như khiến căng thẳng với Nga leo thang. Washington gần đây đổi ý khi các đồng minh phương Tây và Kiev tăng sức ép để Mỹ chấp thuận chuyển giao F-16.
Nguyễn Tiến (Theo Military)