"Các hệ thống pháo phản lực HIMARS sẽ được Ukraine sử dụng để đẩy lùi các bước tiến của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Chúng sẽ không được sử dụng để chống lại Nga", AFP dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên nói ngày 31/5.
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS), mẫu pháo tầm trung sử dụng đầu đạn dẫn đường chính xác, được cho là vũ khí quan trọng mà các lãnh đạo Ukraine đã yêu cầu Mỹ viện trợ để chặn đà tiến công của lực lượng Nga ở các mặt trận ác liệt tại khu vực Donbass như Severodonetsk.
Đây là lượng khí tài nằm trong gói hỗ trợ 40 tỷ USD được quốc hội Mỹ thông qua ngày 20/5, song giới chức Mỹ không nêu chi tiết giá của các hệ thống pháo này.
M142 HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Việc sử dụng khung gầm bánh lốp cho phép HIMARS cơ động với tốc độ tới 85 km/h trên đường bộ, trong khi sự nhỏ gọn giúp nó có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải. Các khẩu đội M142 có thể nhanh chóng tiếp cận và rời khỏi trận địa ngay khi có lệnh.
Pháo M142 thể hiện nhiều ưu điểm so với việc không kích bằng máy bay thông thường, nhất là khả năng thực hiện nhiệm vụ trong thời tiết xấu. Thời gian triển khai chớp nhoáng cũng giúp HIMARS tung đòn yểm trợ và phủ đầu trước khi đối phương kịp phản ứng.
Tổng thống Biden ngày 30/5 khẳng định Mỹ sẽ không gửi cho Ukraine "các hệ thống tên lửa tầm xa có thể tấn công lãnh thổ Nga" do lo ngại làm gia tăng căng thẳng. Cố vấn của Tổng thống Ukraine sau đó phàn nàn rằng "khó có thể giành chiến thắng quân sự" trước Moskva nếu Washington không cung cấp pháo tầm xa.
Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo động thái tiếp thêm vũ khí cho Ukraine của Mỹ và phương Tây sẽ chỉ làm kéo dài xung đột, đồng thời tuyên bố nhắm mục tiêu các lô vũ khí này khi chúng tới lãnh thổ Ukraine.
Đức Trung (Theo AFP, Washington Post)