Tổng thống Donald Trump hôm 7/7 khởi động quá trình rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quyết định này sẽ có hiệu lực sau đó một năm. Washington đang nợ WHO hơn 200 triệu USD tiền đóng góp của thành viên và phải trả toàn bộ, theo nghị quyết năm 1948 của quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO.
Trump hôm 29/5 tuyên bố Mỹ sẽ cắt quan hệ với WHO vì cách tổ chức này xử lý Covid-19, cáo buộc Trung Quốc "toàn quyền kiểm soát" họ, nói thêm rằng khoản đóng góp cho WHO sẽ được chuyển sang "các nhu cầu y tế công cộng toàn cầu khẩn cấp khác xứng đáng hơn".
Tuy nhiên, quyết định của Trump có thể bị đảo ngược trước khi có hiệu lực nếu ông thất bại trước đối thủ Joe Biden từ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Cựu phó tổng thống Mỹ cho biết nếu đắc cử, ông sẽ ngay lập tức chặn đứng quá trình rút khỏi WHO.
"Người Mỹ an toàn hơn khi đất nước tham gia vào việc tăng cường sức khỏe toàn cầu. Vào ngày đầu tiên với tư cách tổng thống, tôi sẽ gia nhập lại WHO, đồng thời khôi phục vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên trường quốc tế", Biden viết trên Twitter. Trong khi đó, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ đăng một từ duy nhất: "Cùng nhau!".
Trong cuộc phỏng vấn trên Fox News, khi được hỏi liệu bây giờ có phải thời điểm thích hợp để quay lưng với WHO hay không, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định "chắc chắn". "WHO đã khiến thế giới thất vọng. Phải có hậu quả cho việc này", ông phát biểu.
Các nghị sĩ Dân chủ cáo buộc Trump đang tìm cách đánh lạc hướng những lời chỉ trích về cách chính phủ xử lý Covid-19, khi Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 3,1 triệu ca nhiễm và gần 134.000 người chết.
"Các ca nhiễm vẫn gia tăng. Nếu lỗi là ở WHO, tại sao Mỹ lại bị bỏ lại phía sau trong khi nhiều quốc gia, từ Hàn Quốc tới New Zealand, Việt Nam và Đức, đang trở lại trạng thái bình thường?", hạ nghị sĩ Ami Bera, đồng thời là một bác sĩ, đặt câu hỏi.
Trump hôm 14/4 tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO với lý do tổ chức này thông đồng với Trung Quốc, che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại. Cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước.
Ngày 18/5, Trump ra tối hậu thư chỉ trích WHO là "con rối" của Trung Quốc, dọa dừng tài trợ vĩnh viễn trừ khi tổ chức thực hiện "những cải tiến đáng kể" trong 30 ngày. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, ông đột ngột tuyên bố cắt quan hệ với WHO.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP)