Khi thông báo quyết định, Trump lặp lại cáo buộc tổ chức này đã không kịp thời cảnh báo thế giới về Covid-19 do áp lực từ Bắc Kinh. Ông nói rằng "Trung Quốc toàn quyền kiểm soát" WHO và cơ quan "không thực hiện các cải cách rất cần thiết được yêu cầu".
Hiện chưa rõ liệu Trump có thể quyết định đơn phương rút khỏi WHO hay không. Theo Thomas Bollyky, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại, với tư cách Tổng thống, Trump có quyền rút Mỹ khỏi bất kỳ hiệp ước nào ông muốn. Tuy nhiên, không có điều khoản nào trong bộ quy tắc của WHO quy định cách rời tổ chức. Còn theo nghị quyết của quốc hội Mỹ về tư cách thành viên, Trump phải thông báo 12 tháng trước khi Mỹ có thể chính thức rời WHO và thanh toán hết số tiền cần đóng góp trong năm tài chính.
Larry Gostin, giám đốc Viện O'Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho rằng Tổng thống có thể cần sự chấp thuận của quốc hội để chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ. "Việc này vượt quá phạm vi quyền lực tổng thống được quy định trong hiến pháp", ông nói.
"Tình huống duy nhất mà ông ấy có thể thực hiện được là quốc hội đã đồng ý trao quyền lực này cho Tổng thống từ trước", Kelley Lee, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Simon Fraser, nói. "Các cố vấn pháp lý là những người thông báo cho Tổng thống về những điều ông ấy có thể làm. Có thể họ đã cố vấn sai hoặc ông ấy không chịu lắng nghe".
Nếu Trump đơn phương ra quyết định, quốc hội có thể kiện ông ra tòa án liên bang về vấn đề này, Gostin nói, nhưng Trump vẫn được dừng cấp ngân sách cho WHO đến khi tòa án ra phán quyết.
Các chuyên gia cho rằng rốt cuộc chính trường Mỹ sẽ là bên định đoạt hành động của Trump có phù hợp không. "Không ai giữ chúng ta lại nếu chúng ta không muốn ở lại tổ chức nữa", Bollyky nói.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Trump lại đột ngột ra quyết định khi chưa hết thời hạn. Trong thư gửi cho lãnh đạo WHO hôm 18/5, ông cảnh báo nếu WHO "không cam kết cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới", Mỹ sẽ xem xét lại tư cách thành viên.
Trump khi đó cho biết chính quyền đang phối hợp với WHO để thực hiện những cải cách, dù ông không nói cụ thể chúng là gì. Nhưng chỉ 11 ngày sau, ông đã không cho WHO thời gian để thay đổi. Trump nói ngày 29/5 rằng Mỹ đã nêu những cải cách WHO cần thực hiện nhưng họ khước từ.
"Nếu như có vấn đề, Mỹ nên chỉ mặt gọi tên nó và khắc phục, thay vì rút khỏi tổ chức", Amanda Glassman, từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nói.
Theo Alex Ward, ký giả của Vox, động thái của Trump giáng đòn mạnh vào WHO. Mỹ là thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc sáng lập WHO năm 1948 và chiếm khoảng 20% tổng ngân sách của WHO trong hai năm qua, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Trump cho biết họ đóng góp 450 triệu USD một năm. Ông phàn nàn rằng Mỹ đã chi nhiều hơn đáng kể so với Trung Quốc, bên đóng góp 40 triệu một năm, nhưng không nắm nhiều quyền lực hơn trong cơ quan này.
Tuy nhiên, quyết định của Trump có thể chưa gây ảnh hưởng tức thì đến hoạt động của WHO. Khi Trump thông báo đình chỉ tài trợ cho WHO vào tháng trước, hai nhà ngoại giao phương Tây nói rằng động thái này có tác động xấu về mặt chính trị với WHO hơn là các chương trình hiện tại của cơ quan, vì chúng đã được giải ngân.
Các chuyên gia y tế toàn cầu đánh giá việc ông quyết định cắt quan hệ với WHO vào thời điểm Covid-19 đang hoành hành là một lựa chọn nguy hiểm. Howard Koh, cựu trợ lý bộ trưởng y tế dưới thời Obama, nói: "Quyết định này thực sự rất thiển cận và thiếu sáng suốt. Nó khiến cuộc sống của người Mỹ gặp nguy hiểm".
"WHO là hệ thống cảnh báo sớm của thế giới đối với các bệnh truyền nhiễm", Nghị sĩ đảng Dân chủ Nita Lowey nói. "Đại dịch toàn cầu đã khiến 100.000 người Mỹ mất mạng, giờ không phải là lúc đặt đất nước vào thêm nhiều rủi ro".
Trump từ lâu đã coi nhẹ chủ nghĩa đa phương khi ông tập trung vào chương trình nghị sự "nước Mỹ trước tiên". Kể từ khi nhậm chức, ông đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, UNESCO, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông cũng đã cắt giảm tài trợ cho quỹ dân số Liên Hợp Quốc và cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc.
Thực tế, John Ullyot, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuần trước nhấn mạnh dù Mỹ dừng tài trợ cho WHO, Washington đã cam kết chi tổng cộng 10,2 tỷ USD đối phó với đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, Glassman cảnh báo Mỹ sẽ đánh mất nhiều ảnh hưởng về nghiên cứu và quyết định chính sách y tế toàn cầu, đặc biệt vào thời điểm Trung Quốc đang cố xây dựng hình ảnh "đầu tàu" chống Covid-19 của thế giới sau khi đã kiềm chế được dịch.
Tại cuộc họp với các thành viên WHO tuần trước, Trung Quốc cam kết đóng góp hai tỷ USD để chống Covid-19 trong hai năm. Các quan chức Mỹ chỉ trích đây là nỗ lực "vung tiền bịt miệng" các nước nhằm chặn trước cuộc điều tra xem Trung Quốc có che giấu thông tin về dịch hay không.
"Động thái rời khỏi WHO gửi đi thông điệp rằng thế giới không thể dựa vào sự dẫn dắt của Mỹ", nghị sĩ đảng Cộng hòa Will Hurt viết.
"Trong đại dịch, các lãnh đạo WHO đã đưa ra những quyết định gây nghi ngờ, đặc biệt là với Trung Quốc, nhưng tổ chức này vẫn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giữ cho thế giới khỏe mạnh", Hurt viết thêm. "Chúng ta có thể không đồng ý cách làm việc của một tổ chức nhưng vẫn nên hỗ trợ sứ mệnh của họ. Liên minh quốc tế rất cần thiết để chống lại những thách thức toàn cầu; chúng ta nên củng cố liên minh thay vì chặt đứt chúng".
Phương Vũ (Theo Reuters/NPR/Vox/NYTimes)