Xung đột âm ỉ kéo dài giữa Israel và Palestine một lần nữa bùng lên, sau khi dân quân Hamas tại Dải Gaza phóng hơn 1.000 quả rocket vào lãnh thổ Israel và quân đội nước này thực hiện các đòn không kích đáp trả.
Nguồn cơn đụng độ không bắt đầu ở Dải Gaza, thay vào đó là khu vực Đông Jerusalem do Israel kiểm soát, khi Tòa án Tối cao nước này lên kế hoạch ra phán quyết trục xuất 7 gia đình Palestine sinh sống hàng chục năm qua gần Thành Cổ.
Kế hoạch trục xuất người Palestine khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem để mở đường cho khu định cư Do Thái thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ và bạo động, đáp lại là các hoạt động trấn áp của cảnh sát Israel. Khoảng 600 người Palestine bị thương trong các vụ đụng độ tại Jerusalem từ ngày 7/5.
Khu vực xảy ra đụng độ được người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif và người Do Thái gọi là Núi Đền, được coi là những nơi linh thiêng của các tôn giáo. Những vụ đụng độ nhỏ liên quan đến đức tin ở Jerusalem trong nhiều thiên niên kỷ qua luôn tiềm ẩn nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh toàn diện liên quan đến chính trị và tôn giáo. "Đó là những gì đang xảy ra tại đây", biên tập viên David Gardner của Financial Times nhận định.
Phong trào Hamas mở màn xung đột bằng cách phóng hàng loạt rocket về Jerusalem, Tel Aviv và các thành phố khác của Israel gần Dải Gaza. Đáp lại, quân đội Israel (IDF) đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhắm vào mục tiêu Hamas tại Dải Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố IDF sẽ tiếp tục không kích vào các mục tiêu được cho là của Hamas tại Dải Gaza cho tới khi "tình hình yên tĩnh hoàn toàn".
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong 7 năm qua xô đổ quan điểm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng việc chiếm đóng Bờ Tây và bao vây Dải Gaza sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho an ninh Israel. Suốt hơn một thập kỷ qua, Netanyahu đã nỗ lực thuyết phục người Israel rằng họ có thể an toàn và "tận hưởng các mối quan hệ quốc tế lành mạnh" mà không cần nhượng bộ Palestine.
Quan điểm của Netanyahu dường như được hỗ trợ bởi phản ứng nhẹ nhàng của Mỹ và các nước châu Âu khi Israel tăng cường kiểm soát khu Bờ Tây, trong khi các quốc gia Arab tại khu vực bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái nhằm phục vụ lợi ích riêng trong nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng với Iran.
Khi tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco ký Thỏa thuận Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, ông ca ngợi đây là bước đi quan trọng để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở Trung Đông.
Nhưng người dân Palestine cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội, hy vọng nhiều năm về giải pháp hai nhà nước bị tiêu tan. Cơn tức giận bị dồn nén của người Palestine được thể hiện qua những vụ bạo động của người Arab tại các thành thị Israel suốt nhiều tuần qua.
"Tình trạng bất ổn tại Jerusalem làm suy yếu uy tín của Israel. Với chiến lược tăng cường chiếm đóng và xây thêm các khu định cư Do Thái, Israel đang bóp nghẹt cơ hội xây dựng một nhà nước Palestine tương lai và buộc dân Palestine phải đấu tranh cho quyền bình đẳng trong vùng Đại Israel, dẫn đến suy yếu tính hợp pháp của nhà nước Israel trong dư luận thế giới", Gardner cho biết.
Xung đột với Hamas còn tiềm ẩn rủi ro cho quan hệ của Israel với các nước Arab láng giềng lẫn cộng đồng Hồi giáo thế giới. Nhiều cuộc biểu tình đã bùng phát từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Jordan, cũng như trong các thành phố nơi dân Arab sinh sống trong lãnh thổ Israel, để phản đối cách đối xử của nước này với người Palestine.
Quan hệ của Israel và Jordan đang ở mức thấp nhất, bất chấp quốc gia Trung Đông này và Ai Cập là một trong những bên đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel qua các hiệp ước hòa bình năm 1994 và 1979.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, những nước tiên phong trong Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ với Israel do Mỹ làm trung gian, lên tiếng phản đối các vụ đụng độ tại các thành phố của nhà nước Do Thái. "Israel đang mạo hiểm nỗ lực bình thường hóa quan hệ thứ hai với các nước Arab với những sự kiện tại Jerusalem", Gardner viết.
Nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện giữa Israel và Palestine càng hiện hữu khi IDF thông báo đang xem xét kế hoạch đưa bộ binh tấn công vào Dải Gaza, nhằm ngăn Hamas tiến hành thêm các đòn tập kích rocket.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khi tiến đánh Dải Gaza, Israel có thể giành được thắng lợi quân sự nhanh chóng nhờ ưu thế về hỏa lực và công nghệ của mình, nhưng họ khó có cơ hội chiến thắng về chính trị.
"Tình trạng bạo lực tại khu vực tuần qua cho thấy khó đạt được hòa bình nếu người Palestine vẫn bị gạt sang một bên", các bình luận viên của Finalcial Times nhận định trong một bài viết ngày 12/5. "Các động thái của nhà nước Do Thái có thể đổ thêm dầu vào lửa và nguy cơ châm ngòi cho xung đột toàn diện bất cứ lúc nào".
Israel và Palestine từng chứng kiến 7 tuần xung đột đẫm máu trong cuộc chiến Gaza năm 2014, khiến hơn 2.000 người Palestine và 73 người Israel, chủ yếu là binh sĩ, thiệt mạng.
"Nguy cơ cuộc chiến Gaza tái diễn là một mối đe dọa có thật", các bình luận viên viết. "Cả hai bên đều cần hạ nhiệt và tránh một cuộc xung đột chỉ phục vụ cho những cái đầu nóng, gieo thêm đau thương cho những người dân Palestine vốn chịu nhiều đau khổ ở Dải Gaza và phơi bày thêm điểm yếu của Israel".
Nguyễn Tiến (Theo Financial Times)