Phần Lan và Thụy Điển ngày 18/5 chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, sau khi cho rằng xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi môi trường an ninh châu Âu.
Khi đưa ra quyết định trên, cả hai nước láng giềng của Nga đã chấp nhận từ bỏ chính sách không liên kết quân sự truyền thống. Phần Lan đã theo đuổi con đường trung lập về an ninh hơn 3/4 thế kỷ từ sau Thế chiến II, còn Thụy Điển hơn 200 năm qua đã coi trung lập là "bản sắc" quốc gia.
Lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển đều cho rằng từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, đường lối trung lập đã không còn phù hợp với tương lai hai nước và việc gia nhập NATO sẽ giảm nguy cơ xung đột ở Bắc Âu.
Hai nước Bắc Âu vốn là đối tác thân thiết với NATO trong nhiều năm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần qua cam kết liên minh sẽ nhanh chóng chào đón Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.
Với lá đơn được các đại sứ nộp lên Tổng thư ký Stoltenberg tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, Phần Lan và Thụy Điển đã hoàn thành bước đầu tiên trong chặng đường xin gia nhập. Tuy nhiên, họ sẽ phải tuân theo một lộ trình lâu dài, với một số nút thắt tiềm ẩn nhiều thách thức chờ được giải quyết.
Thảo luận ở NATO
Theo đúng quy trình truyền thống, 30 nước thành viên NATO sẽ tổ chức thảo luận về hồ sơ nước ứng viên sau khi nhận đơn từ chính phủ Phần Lan và Thụy Điển. Phiên họp giữa đại diện các bên dự kiến được tổ chức ở Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan hoạch định chính sách trọng yếu của liên minh quân sự này.
Phiên họp thông thường bao gồm đại sứ thường trực các nước thành viên, làm việc tại trụ sở chính của NATO ở Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, một số nước có thể cử thêm đặc phái viên cấp cao, điển hình là các ngoại trưởng, góp tiếng nói tại sự kiện. Các thành viên NATO sẽ cân nhắc liệu khối có nên khởi động bước tiếp theo của quy trình: đối thoại trực tiếp với nước mong muốn gia nhập.
Thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp này, còn được gọi tên không chính thức là "thề nguyện" với NATO, liên minh sẽ kiểm tra liệu những nước nộp đơn xin gia nhập có chấp nhận mọi nghĩa vụ được đặt ra cho thành viên hay không. Trong số những nghĩa vụ này có cam kết phòng thủ chung và chia sẻ chi phí quốc phòng, được xác định dựa trên quy mô nền kinh tế của từng thành viên.
Các cuộc đối thoại như vậy thường diễn ra ở Brussels trong khoảng một ngày, bởi các chi tiết đều đã được chuẩn bị từ trước.
Với trường hợp của Phần Lan và Thụy Điển, giới chuyên gia dự báo hai nước sẽ không gặp quá nhiều khó khăn ở giai đoạn này vì họ đều đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, hai nước Bắc Âu vốn đang là đối tác của NATO, từng tham dự nhiều hoạt động huấn luyện chung với lực lượng NATO trong hơn hai thập kỷ qua.
Nếu Phần Lan và Thụy Điển chấp nhận mọi nghĩa vụ mà NATO đặt ra, ngoại trưởng hai nước cần gửi cam kết bằng văn bản. Hội đồng của NATO sau đó viết báo cáo tổng kết và gửi cho toàn bộ 30 nước thành viên. Mỗi thành viên NATO lấy văn bản này làm cơ sở để quyết định ký duyệt "quy trình kết nạp" dành cho quốc gia ứng viên.
Một quan chức NATO ước tính giai đoạn này có thể kéo dài khoảng vài tuần đối với Phần Lan và Thụy Điển. Một khi quy trình kết nạp được các nước thông qua, liên minh quân sự cần mở thêm một cuộc họp khác tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương để công bố chính thức. Theo quan chức NATO, cuộc họp đó có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, vào cuối tháng 6.
Phê chuẩn kết nạp
Giai đoạn tiếp theo trên lộ trình vào NATO của hai nước Bắc Âu sẽ phức tạp và tiềm ẩn nhiều thách thức hơn. Sau khi liên minh công bố quy trình kết nạp, quốc hội mỗi nước thành viên sẽ cần phê duyệt quyết định bổ sung thành viên vào NATO và quy trình này không giống nhau ở từng nước.
Tại Mỹ, quyết định kết nạp Phần Lan, Thụy Điển vào NATO sẽ được thông qua nếu 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, Anh không yêu cầu bỏ phiếu chính thức tại quốc hội.
Quá trình này thông thường mất 8-12 tháng để hoàn tất, dựa trên những tiền lệ trước đây. Điển hình là Bắc Macedonia, nước gần nhất gia nhập NATO sau khi chờ khoảng một năm.
Tuy nhiên, Phần Lan và Thụy Điển có thể gặp rắc rối với quá trình phê duyệt ở quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bất ngờ đe dọa ngăn NATO kết nạp hai nước Bắc Âu, đồng thời cáo buộc họ chứa chấp các nhóm người Kurd bị Ankara coi là khủng bố.
NATO chỉ có thể kết nạp thành viên mới khi toàn bộ 30 thành viên đồng thuận. Nếu quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ không phê chuẩn, cánh cửa vào NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ bị đóng sập.
Trong khi đó, một quan chức NATO cho hay toàn bộ thành viên liên minh "có tín hiệu rõ ràng" ủng hộ đề xuất gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển. Ông kỳ vọng giai đoạn phê duyệt ở quốc hội các nước thành viên không gặp những trở ngại bất ngờ, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số thành viên NATO có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt tại quốc hội, viện dẫn tình hình an ninh cấp bách.
Sau khi quốc hội 30 nước thành viên NATO hoàn tất quá trình phê chuẩn, Phần Lan và Thụy Điển sẽ nhận được thư chính thức mời tham gia Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Quyết định tham gia hiệp ước phải được Phần Lan, Thụy Điển gửi bằng văn bản, theo kênh chính thức, đến Bộ Ngoại giao Mỹ, do đây là nước được liên minh ủy nhiệm bảo quản hiệp ước. Đó cũng là bước cuối cùng để hai nước trở thành thành viên chính thức của NATO.
Đảm bảo an ninh khi chờ xét duyệt
Đảm bảo an ninh là vấn đề gây nhiều lo ngại đối với Phần Lan và Thụy Điển trong lộ trình gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, trước khi họ chính thức trở thành thành viên NATO. Điều 5 về phòng thủ chung trong hiệp ước của liên minh chỉ được áp dụng với thành viên chính thức, không đề cập đến nước đang chờ gia nhập.
Từ trước khi Helsinki và Stockholm công khai mong muốn nâng mối quan hệ với NATO từ đối tác lên thành viên, Nga đã nhiều lần cảnh báo Moskva xem viễn cảnh này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích hai nước láng giềng đã "lựa chọn sai lầm", trong khi một số quan chức ngoại giao Nga cho rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ "trả giá đắt".
Để đề phòng rủi ro an ninh trong giai đoạn chờ gia nhập, giới lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển tuần qua cho biết họ đang đẩy nhanh đối thoại về đảm bảo an ninh với một số thành viên NATO và láng giềng châu Âu, trong đó có Anh.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg từng tuyên bố liên minh sẽ nghiên cứu một số thỏa thuận mới nhằm tăng khả năng bảo vệ hai nước Bắc Âu trong thời gian xem xét đơn xin gia nhập. Ngoài ra, hai nước còn là thành viên đã ký thỏa thuận về tương trợ quốc phòng trong khuôn khổ EU, nên có thể nhận được hỗ trợ từ các thành viên trong khối.
Phần Lan và Thụy Điển đã nhận được cam kết đảm bảo an ninh từ một số thành viên NATO, nhưng chưa có ràng buộc cụ thể. Mỹ và Anh hứa hẹn "tăng cường hiện diện quân sự, tập trận và ủng hộ chính trị mạnh mẽ" cho hai nước Bắc Âu trong giai đoạn xét duyệt.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuần qua thừa nhận quyết định gửi đơn xin gia nhập NATO không đồng nghĩa hai nước Bắc Âu lập tức được hưởng "chiếc ô an ninh" phòng thủ chung của liên minh này. "Tuy nhiên, các nước thành viên NATO cũng cần ngăn sự cố an ninh xảy ra trong quá trình kết nạp", Haavisto chia sẻ, đồng thời bày tỏ kỳ vọng hai nước có thể tăng cường tập trận với các thành viên NATO trong giai đoạn này.
Thanh Danh (Theo AFP, CNN)