"Các đơn xin gia nhập được nộp hôm nay là một bước tiến lịch sử. Liên minh sẽ xem xét các bước tiếp theo trên con đường gia nhập NATO của hai quốc gia này", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay cho hay, sau khi nhận đơn xin gia nhập từ các đại sứ Phần Lan, Thụy Điển tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.
Ông Stoltenberg cũng bày tỏ "nhiệt liệt hoan nghênh" yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. "Liên minh cho rằng sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho các nước này ở Biển Baltic", ông nói.
NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới, dự kiến thảo luận về đơn xin gia nhập trong hôm nay, trước khi quốc hội 30 nước thành viên của khối xem xét các tiêu chí và phê chuẩn. Quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai nước có thể kéo dài khoảng một năm, dù Phần Lan và Thụy Điển được cho là đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ngờ cho các đồng minh những ngày gần đây khi tuyên bố không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập. Ông Stoltenberg cho rằng các vấn đề này có thể được giải quyết.
"Lợi ích an ninh của tất cả thành viên phải được tính đến. Chúng tôi quyết tâm giải quyết tất cả vấn đề và đưa ra quyết định nhanh chóng, đồng thời ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả đồng minh khác", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh. "Tất cả đồng minh đều nhất trí về tầm quan trọng của mở rộng NATO, về việc phải sát cánh cùng nhau và rằng đây là thời khắc lịch sử mà chúng ta phải nắm bắt".
Trong quá trình chuyển tiếp từ ứng viên xin gia nhập đến thành viên chính thức, Phần Lan và Thụy Điển sẽ cần một số biện pháp bảo đảm an ninh từ NATO, trong đó yêu cầu các nước trong liên minh hỗ trợ họ tăng cường khả năng phòng thủ để đề phòng bất cứ mối đe dọa nào.
Theo ông Stoltenberg, trong vài ngày qua, một số thành viên NATO, trong đó có Anh, đã đưa ra các đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian đơn xin gia nhập chờ được phê duyệt.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm 17/5 chính thức ký đơn xin gia nhập NATO, tuyên bố đây là quyết định có lợi nhất cho nước này. Quốc hội Phần Lan cùng ngày bỏ phiếu tán thành quyết định xin gia nhập NATO với 188 phiếu thuận và 8 phiếu chống.
Dù Tổng thư ký Stoltenberg nhiều lần khẳng định hai nước Bắc Âu sẽ được chào đón với "vòng tay rộng mở", trở ngại trước mắt với họ là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara khẳng định không chấp thuận việc mở rộng của NATO, cáo buộc Stockholm và Helsinki không hành động chống lại người Kurd, nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thụy Điển vẫn hy vọng có thể hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
"Chúng tôi rất mong được đối thoại song phương với Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên chúng tôi cũng sẽ đối thoại với các thành viên NATO khác trong quá trình này. Một khi gia nhập NATO, tôi thấy có cơ hội để phát triển mối quan hệ song phương hơn nữa", bà Andersson nói.
Tổng thống Phần Lan cho biết ông cũng "lạc quan" về các cuộc thảo luận sắp tới với Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định "vấn đề sẽ được giải quyết" thông qua đối thoại.
Moskva đã bày tỏ giận dữ trước kịch bản NATO tiếp tục mở rộng về phía đông ngay sau khi hai nước Thụy Điển và Phần Lan bày tỏ ý định gia nhập liên minh. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/5 nói rằng việc mở rộng NATO thực sự "là một vấn đề", cho rằng động thái này là vì lợi ích của Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua nói việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO sẽ không tạo ra nhiều khác biệt, nhấn mạnh Moskva sẽ quan sát cách NATO sử dụng lãnh thổ của hai quốc gia Bắc Âu để "đưa ra kết luận của mình".
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)