"Dữ liệu thời tiết trong lịch sử đang được xem xét và phân tích để đánh giá ảnh hưởng từ các đợt nắng nóng gần đây với những chính sách hạn chế sử dụng điều hòa hiện nay", Ray Johnson, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Quản lý Cơ sở hạ tầng quân đội Mỹ tại châu Âu (IMCOM-E), cho biết hồi cuối tuần trước.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các đơn vị đồn trú của Mỹ ở châu Âu đang "khốn khổ" vì đợt nắng nóng kỷ lục ở châu lục này. Một số khu vực tại Đức có nhiệt độ đến 38,5 độ C, trong khi Pháp ghi nhận nhiệt độ gần 46 độ C.
Theo chính sách hiện nay, nhiều căn cứ Mỹ ở Đức không được trang bị hệ thống điều hòa trung tâm để tiết kiệm năng lượng. Nhiều công trình ở sân bay quân sự Spangdahlem cũng không có điều hòa, trong khi lính Mỹ không được tự ý lắp điều hòa nếu chưa được sự đồng ý từ chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, lính Mỹ ở châu Âu nhiều khả năng sẽ không được thoải mái hơn trong những ngày nắng nóng, vì chính sách hiện nay rất khó thay đổi. "Không ai có thể phủ nhận rằng chúng tôi đang trải qua những ngày rất nóng ở Đức", trung tá Kevin Parker, chỉ huy Đội Công binh 86 ở căn cứ Ramstein, noi. "Tuy nhiên, số ngày nắng nóng và mức độ khắc nghiệt của nó không đáng với chi phí bỏ ra để lắp đặt và bảo trì hệ thống điều hòa".
Quân đội Mỹ cũng đang điều chỉnh quy định huấn luyện trong những ngày nắng nóng. Binh sĩ không được sử dụng đạn vạch đường trong các bài tập bắn đạn thật để giảm nguy cơ gây cháy rừng.
Tây Âu đang chìm trong đợt nắng nóng gay gắt. Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Đức cho hay nhiệt độ trong toàn tháng 6 cao hơn 4 độ so với trung bình lịch sử và cao hơn 0,4 độ C so với tháng 6/2003. Tổ chức Khí tượng Thế giới nhận định 2019 sẽ là một trong những năm nóng nhất thế giới và 2015-2019 sẽ là giai đoạn 5 năm nóng nhất được ghi nhận.
Vũ Anh (Theo Sputnik)