Cục dự báo thời tiết Pháp cho hay nhiệt độ ở Gallargues-le-Montueux, tỉnh Grad, miền nam đất nước, đạt 45,9 độ C vào 16h20 chiều 28/6. "Đây là một kỷ lục lịch sử", nhà khí tượng học Etienne Kapikian nói. "Lần đầu tiên Pháp ghi nhận nhiệt độ vượt quá 45 độ C".
Hai nơi nắng nóng gay gắt khác ở Pháp vào hôm 28/6 là thị trấn Carpentras ở đông nam nước này với 44,3 độ C, và thị trấn Villevieille, tỉnh Provence với 45,1 độ C. Kỷ lục nắng nóng ở Pháp trước đây là 44,1 độ C vào năm 2003.
4 khu vực hành chính ở Pháp là Vaucluse, Gard, Hérault và Bouches-du-Rhone đặt trong tình trạng báo động đỏ, báo hiệu nhiệt độ ở "mức cao nguy hiểm". Khoảng 4.000 trường học phải đóng cửa, chính quyền địa phương hủy bỏ nhiều lễ hội kết thúc năm học, viện dưỡng lão trang bị thiết bị cảm biến hydrat cho người lớn tuổi.
"Đây là đợt nóng đặc biệt bởi nó có cường độ cao và tới sớm hơn so với thường lệ", Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói, cho biết chính quyền đang nỗ lực tránh lặp lại thảm họa của đợt nắng nóng năm 2003 khi 15.000 người tử vong.
Bộ trưởng Y tế Pháp cảnh báo người dân chú ý an toàn, chỉ nên tắm ở các khu vực được phép, nhấn mạnh 4 người đã chết đuối từ đầu tuần. Các gia đình có người thân lớn tuổi bị bệnh hoặc sống một mình được khuyến cáo nên gọi điện hoặc tới thăm hai lần một ngày, đưa họ tới những nơi mát mẻ. Paris cấm hơn một nửa ôtô lưu thông nhằm giảm ô nhiễm không khí, các thành phố Lyon, Strasbourg và Marseille cũng hạn chế giao thông.
Tây Âu đang chìm trong đợt nắng nóng gay gắt. Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Đức cho hay nhiệt độ trong toàn tháng 6 cao hơn 4 độ so với trung bình lịch sử và cao hơn 0,4 độ C so với tháng 6/2003.
Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở Tây Ban Nha dự kiến đạt kỷ lục tháng 6 mới là 43 độ C. Hàng trăm lính cứu hỏa ở Catalonia tiếp tục chiến đấu với đám cháy rừng đã thiêu trụi 6.500 ha đất và có thể phá hủy 20.000 ha. 16 thành phố Italy cảnh báo nhiệt độ cao, phân phát nước cho khách du lịch tới tham quan các địa điểm nổi tiếng quanh Rome.
Tổ chức Khí tượng Thế giới ở Geneva cho hay 2019 sẽ là một trong những năm nóng nhất thế giới và 2015 - 2019 sẽ là khoảng 5 năm nóng nhất được ghi nhận.
Đợt nắng nóng ở châu Âu bắt đầu từ thứ hai tuần trước. Dù còn quá sớm để cho rằng nắng nóng do biến đổi khí hậu, cơ quan khí tượng của Liên Hợp Quốc đồng ý nó có liên quan tới tác động của khí thải nhà kính.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)