Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/10 tuyên bố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chết bằng cách tự kích nổ đai bom tự sát khi bị đặc nhiệm Mỹ dồn đến đường cùng trong cuộc đột kích ở Idlib, tây bắc Syria tối 26/10. Nhóm phiến quân chưa xác nhận thông tin này, cũng không ám chỉ gì về những người kế nhiệm tiềm năng của Baghdadi.
Theo bình luận viên Paul Cruickshank của CNN, điều này đồng nghĩa với việc bất cứ ai tiếp quản vị trí của Baghdadi cũng có khả năng không được công nhận rộng rãi với các phiến quân trên toàn cầu, tạo ra thách thức trong hoạt động lan truyền chủ nghĩa khủng bố của IS.
Khi công bố về cái chết của Baghdadi, Tổng thống Trump mô tả người đàn ông này là "thủ lĩnh khủng bố số một thế giới". Tuy nhiên, đối với IS và hàng chục nghìn tín đồ trên toàn cầu của nhóm này, Baghdadi còn đóng vai trò lớn hơn thế.
Kể từ khi Baghdadi được IS công khai giới thiệu là "quốc vương" tại Nhà thờ Hồi giáo al-Nuri ở Mosul, Iraq hồi tháng 7/2014, các tín đồ đã coi y là lãnh đạo chính trị và tinh thần tối cao của tất cả người Hồi giáo trên toàn thế giới. Mô hình "nhà nước Hồi giáo" của IS cũng dựa trên quan niệm rằng Baghdadi là một "quốc vương" thực sự.
Vị thế của Baghdadi giúp y nắm "quyền sinh sát" với những người sống trong các khu vực do IS kiểm soát tại Syria và Iraq. Sau khi IS mất toàn bộ thành trì, sự tồn tại của Baghdadi vẫn giúp duy trì "ngọn lửa" cho các tín đồ của nhóm phiến quân. Những kẻ cực đoan đánh bom liên hoàn tại các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka hồi tháng 4 là một ví dụ. Họ cam kết trung thành với thủ lĩnh IS.
Bình luận viên Cruickshank cho rằng với việc loại bỏ Baghdadi, Mỹ đã vô hiệu hóa mối đe dọa từ một thủ lĩnh vừa tàn nhẫn, vừa điêu luyện trong việc bí mật điều hành một tổ chức khủng bố. Hồi năm 2010, sau khi trở thành thủ lĩnh của nhánh IS tại Iraq, Baghdadi tái thiết nhóm này thành một lực lượng mà chỉ vài năm sau đó đã nắm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq.
Vai trò quan trọng của Baghdadi xét trên một số khía cạnh là "gót chân Achilles" của IS. "Cái chết của ông ta là đòn giáng mạnh đối với sự gắn kết và tương lai của IS, dù ở một mức độ nào đó, chiến lược và mối liên kết về ý thức hệ của IS vẫn in đậm dấu ấn lãnh đạo của Baghdadi", Edmund Fitton-Brown, điều phối viên nhóm giám sát IS và các nhóm khủng bố khác của Liên Hợp Quốc, nhận định.
Cruickshank cho biết việc chọn người kế nhiệm Baghdadi là một vấn đề "đau đầu" với IS, đặc biệt sau khi Abu Hassan al-Muhajir, phát ngôn viên của nhóm phiến quân và cánh tay phải của thủ lĩnh, cũng bị tiêu diệt trong trận đột kích của dân quân người Kurd và quân đội Mỹ.
Hầu hết phiến quân cho rằng "quốc vương" cần sở hữu vài đặc điểm nhất định. Một trong các yêu cầu là phải xuất thân từ bộ tộc Quraysh của Nhà tiên tri Mohammed, đồng thời phải nắm vững kiến thức về luật Hồi giáo. Baghdadi thu phục được các tín đồ nhờ phù hợp với những tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, chúng khiến danh sách các ứng viên tiềm năng kế thừa thủ lĩnh IS bị thu hẹp.
Cái chết của Baghdadi còn có khả năng gia tăng căng thẳng vốn đang tồn tại trong IS. Những năm gần đây, các phe phái có ý thức hệ khác nhau trong IS ngày càng xung đột do bất đồng về học thuyết Takfir, theo đó những người cực đoan gán cho các tín đồ thuộc dòng Hồi giáo khác là bội giáo.
"Baghdadi đã tìm cách kìm hãm xung đột giữa các bên bằng cách tạo ra sự cân bằng. Tuy nhiên, thế cân bằng này từ lâu đã trở nên bấp bênh và ngày càng khó duy trì", Cole Bunzel, một học giả nghiên cứu các phong trào của phiến quân, cho hay.
Al-Qaeda được cho là có thể tận dụng thời cơ để thống nhất phong trào phiến quân toàn cầu. Mối quan hệ gay gắt giữa nhóm phiến quân này và IS thể hiện qua những cuộc khẩu chiến giữa thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri và Baghdadi. Cái chết của Baghdadi có khả năng thúc đẩy al-Qaeda hàn gắn xích mích giữa hai nhóm. "Câu hỏi hiện nay là al-Qaeda sẽ tạo ra lợi thế và thuyết phục các phiến quân IS như thế nào", cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Ali Soufan nói.
Tuy nhiên, thách thức khẩn cấp hơn nữa đối với IS là giải quyết những hậu quả sau thất bại về tình báo khiến vị trí của Baghdadi bị bại lộ. Tình huống này có thể gây ra sự khiển trách, ngờ vực và thêm xói mòn tính liên kết của nhóm. Có lẽ không còn bí mật nào được giữ kín hơn vị trí thủ lĩnh tối cao của họ.
Sau khi "nhà nước Hồi giáo" bắt đầu sụp đổ, các lãnh đạo cấp cao của IS được cho là phân tán khắp nơi tại Syria và Iraq để tránh bị nhắm mục tiêu. Giờ đây họ khó có thể yên tâm khi Trump tuyên bố Washington "đã lấy được những thông tin và tài liệu vô cùng nhạy cảm sau vụ đột kích giết chết Baghdadi". Các cá nhân bị bắt trong cuộc đột kích cũng có khả năng cung cấp thông tin giúp "vén màn bí mật" về nhóm khủng bố.
Nhiều ý kiến cho rằng việc loại bỏ được thủ lĩnh tối cao trước mắt sẽ giảm mối đe dọa từ IS do các tín đồ bị nhụt chí và nhóm phiến quân bị mất đi tính chính danh. Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại về nguy cơ các tín đồ IS khắp thế giới sẽ tìm cách trả thù cho cái chết của Baghdadi.
Cruickshank cũng cho rằng mối đe dọa từ IS sẽ tồn tại lâu hơn thủ lĩnh của nó. Nhóm khủng bố vẫn hoạt động nhằm cố gắng "tái sinh" các chiến dịch tại Iraq và Syria. Các phiến quân và tín đồ cũng duy trì hiện diện đáng kể tại Afghanistan, Libya, Tây Phi, Đông Phi, Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới. Việc Trump đột ngột quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi miền bắc Syria còn tạo ra khoảng trống an ninh mà IS có khả năng đang cố khai thác.
Quân đội Mỹ ước tính có tới 18.000 phiến quân IS còn hiện diện ở Syria và Iraq. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 30.000 phiến quân khủng bố nước ngoài từng gia nhập nhóm này cũng còn sống. Họ có thể tham gia các mạng lưới khủng bố trong tương lai.
Ánh Ngọc (Theo CNN)