Bộ Ngoại giao Iran ngày 31/10 công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 10 cá nhân và 4 thực thể Mỹ với cáo buộc "liên quan đến hành vi chống lại quyền con người", can thiệp vào công việc nội bộ và "khuyến khích bạo lực, bất ổn tại Iran, kích động các hành vi khủng bố và gia tăng sức ép với Iran".
Trong số các cá nhân và thực thể bị Iran trừng phạt nói trên có Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Michael Kurilla và Vệ binh Quốc gia Mỹ.
Lệnh trừng phạt đóng băng tiền và tài sản của các cá nhân và thực thể nói trên "dưới quyền tài phán của Iran", cũng như cấm cấp thị thực và cấm nhập cảnh vào quốc gia Trung Đông.
Mỹ chưa bình luận về lệnh trừng phạt của Iran.
Iran công bố lệnh trừng phạt vài ngày sau khi Mỹ đưa ra động thái tương tự với nhiều quan chức quốc gia Trung Đông vì trấn áp các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi.
Biểu tình bùng phát tại Iran sau khi Amini qua đời ngày 16/9 làm rung chuyển quốc gia Trung Đông. Amini trước đó bị bắt với cáo buộc vi phạm quy định trang phục đối với phụ nữ tại Iran.
Đụng độ khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có nhân viên an ninh Iran và người biểu tình, hàng trăm người bị bắt. Một số quốc gia phương Tây áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran sau các cuộc biểu tình tại quốc gia Trung Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani ngày 31/10 chỉ trích đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông là "bất hợp pháp". Trong số các biện pháp thuộc đề xuất nói trên của EU có coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là "tổ chức khủng bố".
Iran ngày 26/10 công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 8 tổ chức và 12 cá nhân tại EU vì "hỗ trợ các nhóm khủng bố, kích động bạo lực, bạo loạn và hành vi khủng bố" tại quốc gia Trung Đông.
Thiếu tướng Hossein Salami, tư lệnh IRGC, ngày 29/10 tuyên bố sẽ chấm dứt bạo loạn và yêu cầu người biểu tình không xuống đường. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra sau đó.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)