Iran hơn một tháng qua chìm trong hỗn loạn vì hàng loạt cuộc biểu tình sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái gốc Kurd 22 tuổi. Amini tử vong ngày 16/9, ba ngày sau khi bị lực lượng "cảnh sát đạo đức" bắt ở thủ đô Tehran với cáo buộc mang khăn trùm hijab không phù hợp với luật Hồi giáo.
Khi được hỏi về những hành động tiếp theo mà Berlin và EU lên kế hoạch thực hiện đối với Iran, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết khối "sẽ tung ra một gói trừng phạt nữa".
"Chúng tôi cũng đang xem xét phương án liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng vào danh sách tổ chức khủng bố", bà nói thêm.
Bình luận của bà được đưa ra khi những người biểu tình ở Iran tiếp tục tụ tập vào hôm qua, bất chấp tuyên bố sẽ "chấm dứt bạo loạn" và cảnh báo người biểu tình không tiếp tục xuống đường của lãnh đạo lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Hossein Salami.
Các cuộc tuần hành phản đối quy định hà khắc theo luật lệ Hồi giáo bùng phát ở nhiều thành phố, khởi đầu với thông điệp đòi quyền tự do và bình đẳng cho phụ nữ, nhưng dần mở rộng thành biểu tình yêu cầu cải cách xã hội và chính trị, thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia.
Giới chức Iran thời gian qua cáo buộc "các phần tử ly khai" và "phần tử kích động" đang định hướng bức xúc xã hội về cái chết của Mahsa Amini thành làn sóng bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền. Tình báo Iran và IRGC cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ kích động bạo loạn.
Ra đời sau cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, IRGC ban đầu là một lực lượng quân sự có nhiệm vụ bảo vệ chính phủ mới được thành lập lúc bấy giờ của Iran và lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini. IRGC sau đó nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và trở thành một trong ba lực lượng chính của lực lượng vũ trang Iran, bên cạnh quân đội và cảnh sát. Trong khi quân đội chính quy có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Iran, IRGC được lập ra để chống lại các cuộc nổi dậy và những mối đe dọa ở cả trong và ngoài nước. Thành viên IRGC tự coi mình là người giữ "ngọn lửa cách mạng Iran". Mỹ hồi năm 2019 liệt IRGC vào danh sách khủng bố.
Vũ Hoàng (Theo AFP)