"Trung Quốc đã thay đổi. Do điều này cùng các quyết định chính trị của Trung Quốc, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận đối với quốc gia này", tài liệu chiến lược dài 64 trang được chính phủ Đức công bố hôm nay cho hay.
Chiến lược được nội các Đức thống nhất sau nhiều tháng tranh cãi trong liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz. Theo đó, Đức xem Trung Quốc vẫn là đối tác không thể thiếu để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch.
Tuy nhiên, tài liệu cũng nói rằng Trung Quốc "ngày càng quyết đoán hơn trong nỗ lực thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, dẫn tới những hậu quả đối với an ninh toàn cầu".
"Việc Trung Quốc quyết định tăng cường quan hệ với Nga cũng gây ra những tác động an ninh ngay lập tức tới Đức", tài liệu chiến lược cho hay. "Chúng tôi không có ý định cản trở tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng giảm rủi ro là rất cần thiết".
Theo chiến lược mới, Đức sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự và hợp tác với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cảnh báo hiện trạng của eo biển Đài Loan chỉ có thể thay đổi bằng biện pháp hòa bình và được sự đồng ý của cả hai bên.
"Leo thang quân sự cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Đức và châu Âu", chiến lược cho hay. "Đức sẽ mở rộng quan hệ chặt chẽ với Đài Loan trong khi tiếp tục tuân thủ chính sách 'Một Trung Quốc'".
Về kinh tế, chiến lược đã vạch ra các đề xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phù hợp với những gì đã được Liên minh châu Âu (EU) đồng ý trước đó. Đức đặc biệt lo ngại về tác động của chiến lược giảm thiểu rủi ro này đối với nền kinh tế vốn đã suy thoái, do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của nước này với Trung Quốc, quốc gia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2016.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 300 tỷ euro (325 tỷ USD), Trung Quốc là thị trường quan trọng của các công ty hàng đầu Đức.
"Chính phủ liên bang khẳng định trách nhiệm và quyết tâm phối hợp với các đối tác trong ngăn chặn sử dụng công nghệ tiên tiến do chúng tôi phát triển để nâng cao năng lực quân sự đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế", chiến lược cho hay. "Các biện pháp thích hợp đã được đưa ra để chống lại rủi ro liên quan đầu tư ra nước ngoài nhằm kiểm soát có mục tiêu đối với xuất khẩu và đầu tư trong nước".
Chiến lược về Trung Quốc được Đức công bố trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực giảm phụ thuộc chiến lược vào Bắc Kinh, điều các nhà hoạch định chính sách gọi là "giảm thiểu rủi ro".
"Mục đích của chúng tôi không phải tách rời Trung Quốc, mà muốn giảm phụ thuộc trong tương lai", Thủ tướng Scholz đăng trên Twitter.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng chiến lược mới cho thấy chính phủ nước này "thực tế và không ngây thơ" trước Trung Quốc.
Phản ứng về chiến lược của Đức, đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin ra tuyên bố bày tỏ hy vọng Đức xem xét sự phát triển của Trung Quốc một cách toàn diện, hợp lý và khách quan.
"Trung Quốc là đối tác, không phải đối thủ của Đức trong đối mặt thách thức. Nhiều thách thức Đức đang trải qua không bắt nguồn từ Trung Quốc. Hợp tác giữa Đức và Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội phát triển, không phải rủi ro", tuyên bố của đại sứ quán nêu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tháng trước tới thăm Đức, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi ông nhậm chức. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ với EU, song cảnh báo Berlin không nên "lợi dụng danh nghĩa giảm thiểu rủi ro để tách rời" và yêu cầu "sân chơi bình đẳng" cho các công ty Trung Quốc.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)