Sau cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 5/10, 13 thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng 10 quốc gia liên minh, còn gọi là OPEC+, thông báo sẽ giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11.
Đây là đợt cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm dấy lên lo ngại giá dầu tăng mạnh trở lại, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chật vật vì lạm phát do giá năng lượng leo thang.
Động thái của OPEC+ được ví như "đòn giáng ngoại giao" nhắm vào Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau hàng loạt nỗ lực của ông nhằm cô lập Nga và kìm giá nhiên liệu trong nước, theo Sebastian Smith, bình luận viên của AFP.
Tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang ở mức thấp, trong khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ, với mục tiêu phe Dân chủ đặt ra là duy trì kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, đang đến rất gần.
"Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese cho biết.
Suốt nhiều tháng qua, ông Biden đã phải giữ cân bằng giữa kinh tế và địa chính trị, tìm cách giảm giá xăng cho người dân Mỹ, nhưng đồng thời muốn hạn chế Nga xuất khẩu năng lượng để tạo nguồn thu cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Arab Saudi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, khách hàng lớn nhất mua các vũ khí tối tân của nước này. Ông Biden hồi tháng 7 đến Arab Saudi và gặp Thái tử Mohammed bin Salman, dù tình báo Mỹ từng cáo buộc ông này ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không nhận được cam kết hợp tác vững chắc nào từ phía Thái tử Mohammed về năng lượng. Quan hệ song phương càng thêm xấu đi khi Arab Saudi không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Giới chức Mỹ cho biết một phần lý do Washington muốn giảm giá dầu là để hạn chế nguồn thu của Moskva. Phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, trong đó có hạn chế hoặc dừng nhập khẩu dầu từ nước này. Nga từng là bên cung cấp dầu chính cho châu Âu, nhưng Moskva đang chuyển hướng dòng dầu sang châu Á. Hồi tháng 5, châu Á đã lần đầu tiên vượt châu Âu với tư cách là thị trường tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.
Giờ đây, Nga sẽ hưởng lợi từ việc OPEC+ giảm sản lượng, bởi việc này sẽ khiến giá dầu tăng trở lại, và thử thách quyết tâm của châu Âu trong hỗ trợ Ukraine, khi giới phân tích cảnh báo tăng trưởng kinh tế tại khu vực sắp chững lại đáng kể.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 5/10 nói "OPEC+ rõ ràng đang đứng về phía Nga với thông báo về chính sách sản lượng". Theo Nhà Trắng, ông Biden sẽ tiếp tục đánh giá xem có cần xả thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược để hạ giá dầu hơn nữa hay không.
Arab Saudi bác chỉ trích cho rằng nước này đứng về phía Nga để đẩy giá dầu lên cao hơn, cáo buộc phương Tây thường đứng trên quan điểm "nhà giàu kiêu căng" khi chỉ trích OPEC+.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã kéo dài gần 8 tháng. Trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu và Mỹ gia tăng nỗ lực trừng phạt, cô lập Nga, Riyadh lại chọn tăng cường quan hệ với Moskva, khiến phương Tây ngày càng lo ngại.
Các nhà ngoại giao Arab Saudi hồi tháng 9 đã đứng ra làm trung gian cho đợt trao đổi tù binh, trong đó 10 công dân nước ngoài bị lực lượng Nga bắt khi tham chiến tại Ukraine được trả tự do.
Đây được coi là một tính toán của Nga nhằm giúp Arab Saudi nổi bật hơn trên trường quốc tế, dù xung đột ở Ukraine không liên quan đến Trung Đông. "Đó là món quà từ ông Putin cho Thái tử Arab Saudi", một quan chức Anh nhận định. "Ông Putin muốn chuyện này xảy ra và muốn nó trông giống như Arab Saudi đã giúp đạt được thỏa thuận bằng con đường ngoại giao".
Giới chức Arab Saudi không lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và Moskva cũng không bình luận về các động thái của Riyadh trong chiến sự ở Yemen.
Năm 2016, khi Thái tử Mohammed bin Salman còn là thứ trưởng quốc phòng, ông đã triệu các nhà ngoại giao Anh đến Riyadh để xin lời khuyên từ London về cách ứng phó với ông Putin.
"Ông ấy bị thu hút bởi ông Putin", một quan chức Anh từng tham gia cuộc gặp, kể lại với Observer. "Ông ấy dường như thán phục ông Putin, thích những điều ông chủ Điện Kremlin làm".
Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP) nhận định yếu tố thúc đẩy đằng sau quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nga và Arab Saudi nói riêng, với các quốc gia vùng Vịnh (GCC) nói chung, chủ yếu xoay quanh mong muốn của GCC về một biện pháp dự phòng khi mối quan hệ an ninh với Mỹ dần suy yếu.
Khi Mỹ dần xoay trục sang châu Á, rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, tăng cường khai thác dầu và khí đốt trong nước, Trung Đông ngày càng ít có vai trò cốt lõi trong lợi ích an ninh quốc gia của Washington. Trong bối cảnh đó, CEIP cho rằng Arab Saudi muốn có thêm lựa chọn đảm bảo an ninh ngoài Washington, dù đó không nhất thiết là Moskva.
"Mọi thứ đều có giá của nó, và an ninh năng lượng cũng có giá", Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais tuyên bố, khẳng định liên minh chỉ đang cung cấp "an ninh" và "ổn định" cho thị trường năng lượng.
Như Tâm (Theo AFP, Guardian, Reuters, CEIP)