Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu năm nay tuyên bố tiêm kích tàng hình J-20 đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC) và đưa vào biên chế không quân. Sự kiện này được giới quân sự Trung Quốc ca ngợi là bước ngoặt thay đổi thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực máy bay tàng hình, cũng như thay đổi lịch sử không quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng J-20 vẫn thua kém nhiều so với máy bay tàng hình F-22 và F-35 Mỹ.
SCMP hồi tháng 3 cho rằng trước những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực, Trung Quốc đã vội vã đưa vào biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ kiểu "chữa cháy", dù động cơ luôn được ví như "trái tim" của bất cứ chiến đấu cơ quân sự nào. Điều này khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó.
Tiêm kích J-20 ban đầu dự kiến trang bị động cơ WS-15 được các kỹ sư thiết kế riêng cho dòng máy bay tàng hình này. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào thử nghiệm, động cơ WS-15 thể hiện độ tin cậy thấp khi liên tục gặp sự cố, thậm chí phát nổ năm 2015. Cho đến nay, các kỹ sư Trung Quốc vẫn chưa thể khắc phục được vấn đề này.
"Nguyên nhân dẫn đến sự cố rất phức tạp. Một trong số đó là chất lượng các lá cánh turbine đơn tinh thể, bộ phận then chốt làm nên sức mạnh của động cơ phản lực. Cánh quạt turbine đơn tinh thể của động cơ WS-15 không chịu được nhiệt độ cao và khả năng cơ động của J-20", một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ.
Bình luận viên Zachary Keck đánh giá động cơ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trên tiêm kích thế hệ 5. Động cơ F119 của tiêm kích F-22 giúp nó đạt khả năng siêu hành trình, cho phép bay với tốc độ siêu thanh mà không cần bật chế độ tăng lực, vốn rất dễ làm máy bay lộ diện trên hệ thống cảm biến hồng ngoại.
Việc Trung Quốc không sở hữu động cơ với tính năng tương đương khiến J-20 không thể duy trì khả năng tàng hình khi phải bật chế độ đốt tăng lực để đạt vận tốc siêu âm.
Vấn đề này dường như sẽ khó được khắc phục trong tương lai gần. Các kỹ thuật viên Trung Quốc có thể dồn sức chế tạo một vài lá cánh turbine đơn tinh thể với chất lượng rất cao, nhưng vẫn không thể đưa nó vào sản xuất hàng loạt. Vấn đề mấu chốt là Bắc Kinh cần thêm thời gian để kiểm tra, thử nghiệm và khắc phục trở ngại về mặt công nghệ.
Phi đội J-20 trong biên chế không quân Trung Quốc đang phải lắp động cơ WS-10B được cải tiến từ mẫu WS-10 cho tiêm kích thế hệ 4 như J-10 và J-11. Đây được coi là giải pháp tình thế mang tính chữa cháy, trước khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu số lượng lớn động cơ AL-31F của Nga.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải 2018, những chiếc J-20 được kỳ vọng sẽ biểu diễn với động cơ WS-15 và trở thành điểm nhấn trong sự kiện hàng không thường niên lớn nhất do Bắc Kinh tổ chức. Tuy nhiên, cả ba chiếc J-20 xuất hiện trong lễ khai mạc sự kiện vẫn lắp động cơ AL-31F do Nga sản xuất.
Bắc Kinh từng hối thúc Moskva bán cho họ mẫu động cơ hiện đại hơn nhưng bị từ chối, do Nga lo ngại Trung Quốc sẽ sao chép chúng như các khí tài trong quá khứ.
Toàn bộ 24 tiêm kích đa năng Su-35S được Nga bán cho Trung Quốc cũng trang bị nhiều công nghệ chống sao chép, trong đó động cơ AL-41F1S được phủ lớp vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu khác. Hệ thống động cơ cũng được "hàn chết", khiến chuyên gia Trung Quốc phải phá hủy toàn bộ động cơ nếu muốn tiếp cận phần lõi bên trong.
Bắc Kinh đã chi khoảng 23,7 tỷ USD để phát triển động cơ hiện đại trong giai đoạn 2010-2015. Truyền thông Trung Quốc năm ngoái tuyên bố động cơ WS-15 có hiệu suất ngang mẫu F119 của Mỹ, nhưng điều này rất khó trở thành hiện thực.
"Động cơ phản lực Trung Quốc vẫn gặp phải hàng loạt vấn đề. Đây sẽ là điểm yếu khiến J-20 khó lòng theo kịp F-22 và F-35 Mỹ trong những cuộc chiến tiềm tàng", Michael Raska, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, nhấn mạnh.
Duy Sơn (Theo National Interest)