"Chỉ thị được đưa ra đột ngột, nó tàn nhẫn và liều lĩnh", Chủ tịch Đại học Harvard Lawrence S. Bacow ngày 8/7 viết trong email gửi tới cộng đồng giảng viên và sinh viên của trường. Ông thông báo trường Harvard và MIT ngày 8/7 đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston, chống lại Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ.
Hai trường muốn tòa chặn thực thi quy định visa mới. "Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này quyết liệt để sinh viên quốc tế của chúng tôi và sinh viên quốc tế tại các trường trên cả nước có thể tiếp tục học tập mà không bị đe dọa trục xuất".
Harvard và MIT lập luận rằng chỉ thị của chính quyền Trump vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính vì không xem xét các khía cạnh quan trọng của vấn đề trước khi công bố quy định, không cung cấp cơ sở hợp lý cho chính sách và không thông báo đầy đủ cho công chúng.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) hôm 6/7 thông báo sinh viên quốc tế giữ visa F-1 (du học sinh các trường trung học, cao đẳng, đại học) và M-1 (người học nghề) ở Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình học online 100% vào mùa thu tới. Những người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Với những du học sinh đã rời khỏi Mỹ nhưng có chương trình học 100% online, hải quan Mỹ tại sân bay sẽ không cho nhập cảnh.
Du học sinh hiện còn ở Mỹ và đã đăng ký các môn học 100% online cho học kỳ mùa thu được yêu cầu thay đổi ngay lập tức bằng cách chuyển đến các trường có dạy trực tiếp, hoặc kết hợp hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Thông tin này được đưa ra khi nhiều trường cao đẳng và đại học của Mỹ, trong đó có Harvard, đã thông báo kế hoạch chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến vào mùa thu do đại dịch Covid-19.
Du học sinh chiếm 5,5% trong tổng sinh viên theo học giáo dục đại học tại Mỹ, tương đương 1,1 triệu người vào năm học 2018-2019, theo Viện Giáo dục quốc tế. Việt Nam đứng thứ 6 trong số những nước có sinh viên du học nhiều nhất tại Mỹ, với gần 24.400 du học sinh, trong đó 69,9% học đại học, 15,2% sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Với hơn 41 tỷ USD mà sinh viên quốc tế đóng góp cho nền kinh tế Mỹ, trên các diễn đàn, nhiều người đặt câu hỏi về mục đích của động thái trên. Trong đó, giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là chính quyền Trump đang muốn dùng quy định mới này nhằm thúc đẩy các trường tái mở cửa, một phần trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế trì trệ do Covid-19.
"Quy định dường như nhằm gây áp lực lên các trường cao đẳng và đại học để ép họ giảng dạy trực tiếp vào mùa thu này, không đoái hoài đến sức khỏe và sự an toàn của sinh viên, giảng viên và những người khác", Bacow viết.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn ba triệu ca nhiễm nCoV và hơn 134.000 ca tử vong. Hàng chục bang Mỹ chứng kiến đà tăng ca nhiễm nCoV trở lại khi mở cửa, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt hạn chế. Toàn cầu ghi nhận gần 12 triệu người nhiễm và gần 548.000 người chết.
Phương Vũ (Theo NYTimes)