Tờ Sky News của Anh hôm 9/1 dẫn nguồn tin phương Tây am hiểu vấn đề cho biết những cuộc thảo luận về cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine "đã diễn ra được vài tuần", trong khi một nguồn tin khác nói rằng London có thể chuyển giao khoảng 10 chiếc cho Kiev.
Cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực chuẩn NATO sẽ là động thái gia tăng viện trợ đáng kể của phương Tây đối với Ukraine và Mỹ cùng các quốc gia châu Âu từ trước tới nay vẫn ngần ngại làm điều này, do lo ngại làm leo thang căng thẳng với Nga. Sky News cho hay chính phủ Anh chưa đưa ra quyết định cuối cùng về Challenger 2.
"Đó là xe tăng rất hiệu quả và sẽ cải thiện đáng kể năng lực chiến đấu cho Ukraine, nhưng nhược điểm là chúng sẽ đặt ra gánh nặng khổng lồ về huấn luyện và bảo đảm hậu cần với binh sĩ nước này", trung tướng Anh về hưu Sean Bell nhận xét.
Tướng Bell nói rằng Challenger 2 được trang bị hàng loạt hệ thống máy tính điều khiển hỏa lực, thiết bị điện tử, kính ngắm với đo xa laser và hệ thống nhìn đêm. Những thiết bị này khiến chúng có năng lực chiến đấu mạnh mẽ, nhưng binh sĩ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen khí tài, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong vận hành và bảo dưỡng so với những xe tăng thời Liên Xô trong biên chế Ukraine hiện nay.
Tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 được Anh phát triển từ cuối những năm 1980, trang bị pháo chính cỡ nòng 120 mm, súng máy đồng trục và súng máy 7,62 mm trên tháp pháo. Tháp pháo và một phần thân xe được trang bị giáp phức hợp Chobham, có khả năng chống chịu nhiều loại vũ khí chống tăng hiện đại.
Từ năm 1998, quân đội Anh biên chế tổng cộng 386 xe tăng Challenger 2, trong đó 227 chiếc còn khả năng hoạt động. Lực lượng này hồi đầu năm 2021 công bố kế hoạch tăng tuổi thọ vận hành cho 148 xe đến khoảng năm 2035, số còn lại sẽ bị loại biên. Ngoài Anh, chỉ có Qatar sở hữu xe tăng Challenger 2 với 38 chiếc trong biên chế.
Nếu quyết định chuyển giao Challenger 2 được Anh phê duyệt, đây sẽ là lần đầu Ukraine tiếp nhận xe tăng chủ lực do phương Tây thiết kế. Ngoài nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga, những thách thức trong huấn luyện cũng Mỹ và các đồng minh chưa sẵn sàng gửi xe tăng chủ lực hệ phương Tây cho Ukraine, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ Kiev.
"Hiện vẫn rất khó xác định Kiev sẽ hưởng lợi thế nào từ những xe tăng Challenger 2", ông Bell nói và thêm rằng quân đội Ukraine đang có nhiều lợi thế từ xe tăng Nga bị tịch thu trên chiến trường. "Xe tăng chuẩn Liên Xô của hai bên có thể dùng chung một số phụ tùng. Cơ cấu điều khiển tương đồng cũng cho phép lính Ukraine tham chiến ngay lập tức sau khi tiếp quản xe tăng Nga".
Các quốc gia thành viên NATO đã gửi một số mẫu thiết giáp cho Ukraine, trong đó có xe chiến đấu bộ binh chuẩn Liên Xô. Mỹ tháng 11/2022 thông báo viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, song là mẫu T-72 đời cũ của Liên Xô, thay vì dòng M1 Abrams được quân đội Mỹ biên chế.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper hôm 6/1 tuyên bố nước này chưa sẵn sàng cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine.
"Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng Ukraine cần xe tăng, đó là một trong những lý do Mỹ và Hà Lan phối hợp đại tu một số xe tăng T-72 được viện trợ cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nhìn nhận vấn đề bảo dưỡng và duy trì hoạt động cho khí tài, nhất là khi xe tăng Abrams tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu và cực kỳ khó bảo dưỡng", bà nói.
Vũ Anh (Theo Drive)