Page, 17 tuổi, là người vận hành thang máy tại tòa nhà Drexel, thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Trong khi đó, thợ đánh giày Rowland, 19 tuổi, sử dụng thang máy này gần như mỗi ngày. Sự cố xảy ra vào ngày 30/5/1921, khi một tiếng thét cất lên vào lúc chỉ có hai người trong thang máy.
"Vẫn chưa chắc chắn về chuyện xảy ra trong tòa nhà Drexel hôm đó, nhưng lời giải thích phổ biến nhất là Rowland đã giẫm lên chân Page khi bước vào thang máy, khiến cô ấy hét lên", Hiệp hội Lịch sử Oklahoma cho hay.
Sau khi cửa thang máy mở ra, Rowland bỏ chạy, nhưng bị bắt lại do Page tuyên bố cô bị tấn công. Mặc dù thiếu nữ này không truy tố Rowland, chính quyền đã làm vậy, đồng thời xuất hiện tin đồn rằng Page bị cưỡng bức.
Tờ báo địa phương Tulsa Tribune hôm sau đăng tin với tiêu đề "Tóm cổ gã da màu tấn công thiếu nữ trong thang máy", đồng thời viết một bài xã luận đáng lo ngại có tên "Hành hình kiểu lynch với gã da màu vào tối nay", đề cập tới hình thức đám đông giết chết ai đó mà không cần xét xử, thường do những người phân biệt chủng tộc ở Mỹ thực hiện với người da màu.
Sự việc diễn ra vào những năm sau Thế chiến I, thời điểm căng thẳng chủng tộc dâng cao, bao gồm sự trỗi dậy của Ku Klux Klan, hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng. Vô số vụ hành hình kiểu lynch và hành vi bạo lực chủng tộc khác đã xảy ra, thúc đẩy người Mỹ gốc Phi nỗ lực bảo vệ cộng đồng của mình.
Thành phố Tulsa đặc biệt chia rẽ. Hầu hết 10.000 cư dân da màu của thành phố sống tại quận Greenwood, nơi được mệnh danh là "Phố Wall Đen" với hơn 300 doanh nghiệp do người da màu sở hữu, cùng hai nhà hát, những bác sĩ, dược sĩ và một phi công có máy bay riêng.
Theo Mechelle Brown, giám đốc các chương trình tại Trung tâm Văn hóa Greenwood, thành công của cộng đồng người da màu đã khiến một số người da trắng tại Tulsa ghen tỵ và tức giận. "Họ từng than vãn rằng tại sao mấy người da màu kia dám đặt một cây đàn piano đẹp đẽ trong nhà, thứ mà họ không có", Brown cho hay.
Sự cố trong thang máy giữa Rowland và Page khiến căng thẳng bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Ngay sau bài báo của Tulsa Tribune, một đám đông da trắng kéo đến tòa án thành phố và yêu cầu cảnh sát trưởng giao nộp Rowland, nhưng bị từ chối.
Tới khoảng 21h ngày 31/5/1921, một nhóm gồm khoảng 25 người đàn ông da màu có vũ trang, trong đó nhiều người là cựu binh Thế chiến I, đến tòa án nhằm đề nghị bảo vệ Rowland, nhưng cũng không được phép vào. Một số người da trắng sau đó cố gắng đột nhập vào kho vũ khí của lực lượng Vệ binh Quốc gia, nhưng bất thành.
Do vẫn xuất hiện những tin đồn về kế hoạch kết liễu Rowland, khoảng 75 người đàn ông da màu quyết định trở lại tòa án ngay sau 22h, nơi họ đụng độ với khoảng 1.500 người đàn ông da trắng, trong đó nhiều người cũng mang vũ khí. Sau khi súng nổ và hỗn loạn bùng phát, nhóm người da đen yếu thế đã rút về Greenwood.
Vài giờ sau, các nhóm da trắng tại Tulsa, bao gồm một số người được cảnh sát cử làm đại diện và sở hữu vũ khí, đã thực hiện nhiều hành vi bạo lực chống lại người da màu, như bắn một người đàn ông không có vũ khí trong rạp chiếu phim.
Sự kích động thêm nghiêm trọng do phe da trắng hiểu lầm rằng những người da màu tại Tulsa đang âm mưu nổi dậy trên quy mô lớn, với đội ngũ tiếp viện từ những thị trấn và thành phố đông người Mỹ gốc Phi lân cận.
Ngay từ bình minh ngày 1/6/1921, hàng nghìn cư dân da trắng đổ tới quận Greenwood để cướp bóc, đốt nhà cửa và các doanh nghiệp. Các lính cứu hỏa tới dập lửa cho biết những kẻ bạo loạn đã dùng súng đe dọa và buộc họ phải rời đi. Một số báo cáo còn viết rằng những người da trắng đã lái máy bay rồi thả bom xăng xuống Greenwood.
Theo ước tính của Hội Chữ Thập Đỏ, khoảng 1.256 ngôi nhà đã bị đốt cháy, 215 căn khác bị cướp. Hai tòa soạn báo, một trường học, một thư viện, một bệnh viện, các nhà thờ, khách sạn, cửa hàng và nhiều doanh nghiệp khác của người da màu cũng nằm trong danh sách bị thiệt hại.
"Họ cố gắng giết tất cả người da màu mà họ nhìn thấy", George Monroe, một trong những người sống sót sau thảm kịch, kể lại.
"Họ lấy đi mọi thứ mà họ nghĩ là có giá trị và đập phá toàn bộ những gì còn lại", Olivia Hooker, một người sống sót khác, cho hay. "Bạn không thể quên chuyện như vậy. Khi đó tôi còn nhỏ, không biết gì về thiên vị và định kiến. Thật đau đớn khi phát hiện mọi người ghét bạn chỉ vì màu da. Tôi mất một thời gian dài để vượt qua những cơn ác mộng".
Tại thời điểm lực lượng Vệ binh Quốc gia tới Greenwood và tuyên bố thiết quân luật ngay trước buổi trưa, cuộc bạo loạn đã chấm dứt. Vài giờ sau, tất cả cáo buộc chống lại Rowland đều được hủy bỏ. Cảnh sát kết luận thanh niên này khả năng cao đã bị vấp và ngã vào người Page, hoặc giẫm lên chân cô. Rowland rời Tulsa vào sáng hôm sau và được cho là chưa bao giờ trở lại.
Nạn phân biệt chủng tộc tại Tulsa tiếp tục gia tăng sau vụ bạo loạn. Không có bất kỳ lễ kỷ niệm, đài tưởng niệm, hoặc sự kiện nào để tưởng nhớ những người đã khuất suốt nhiều thập kỷ. Thay vào đó, những nỗ lực được cho là nhằm cố ý che giấu sự việc đã được tiến hành.
Tờ Tulsa Tribune xóa bài viết châm ngòi hỗn loạn đăng hôm 31/5/1921. Các học giả sau đó phát hiện hồ sơ lưu trữ của cảnh sát và dân quân cũng bị mất. Kết quả là sự kiện thảm sát chủng tộc ở Tulsa hiếm khi được đề cập trong sách lịch sử, dạy trong trường học, hoặc thậm chí ít người nhắc đến, cho đến tận gần đây.
Báo cáo chính thức tại thời điểm sự kiện diễn ra ghi nhận 36 người chết, bao gồm 10 người da trắng. Tuy nhiên, các nhà sử học tin rằng con số này quá thấp, đặc biệt sau khi phát hiện chiếc hố được cho là mộ tập thể tại nghĩa trang Oaklawn ở Tulsa.
Theo báo cáo năm 2001 của Ủy ban Chống bạo loạn Chủng tộc, cơ quan do chính quyền bang Oklahoma thành lập để điều tra về sự kiện, có khoảng 100-300 người thiệt mạng, hơn 8.000 người mất nhà cửa trong vòng 18 giờ do thảm kịch năm 1921.
Tháng 11/2018, cơ quan được đổi tên thành Ủy ban Thảm sát Chủng tộc 1921, dựa trên "cảm xúc và góc nhìn của các nhân chứng", cũng như cư dân tại khu vực hiện nay và các học giả lịch sử.
Tất cả những gì còn sót lại của "Phố Wall Đen" chỉ là 14 tòa nhà màu đỏ được tái xây dựng ngay sau vụ thảm sát. Gần một sân vận động trong khu vực, một bức tranh tường được đề tên là "Bạo loạn Chủng tộc Tulsa 1921", nhưng ai đó đã gạch chữ "bạo loạn" và thay thế bằng "thảm sát". Cụm từ này cuối cùng cũng bị một người khác gạch đi và phun sơn đen.
Ánh Ngọc (Theo CNN, History, Washington Post)