Người biểu tình diễu hành dọc bãi biển Venice, hô vang tên George Floyd trên phố và quỳ gối giữa đại lộ Sunset. Khu trung tâm mua sắm giờ tràn ngập hình vẽ graffiti và kính vỡ. Lực lượng Vệ binh Quốc gia được triển khai để ngăn cướp phá. Lệnh giới nghiêm bắt đầu ngay từ 1h chiều.
Biểu tình nổ ra ở thành phố Los Angeles, bang California tuần này với quy mô chưa từng thấy kể từ sau vụ bạo loạn năm 1992. Video công dân da màu Rodney King bị 4 cảnh sát đánh đập đã dẫn đến cuộc bạo loạn năm đó. Giờ đây, bạo loạn lại một lần nữa xảy ra sau cái chết của Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis hôm 25/5.
Video ghi lại cảnh Floyd kêu thảm thiết rằng "tôi không thể thở" đã nhắc nhớ người dân Los Angeles về tình trạng bạo lực cảnh sát với người da màu vẫn tiếp diễn. Nhưng so với năm 1992, biểu tình ở Los Angeles lần này có tổ chức hơn, ôn hòa hơn và chủ yếu tập trung ở khu vực giàu có, như nơi đặt trụ sở chính quyền của thành phố đông dân thứ hai của Mỹ.
"Chỉ khi những nơi đó bị tấn công, giới chức mới thấy được nỗi đau và cơn thịnh nộ của chúng tôi", Melina Abdullah, giáo sư nghiên cứu về châu Phi tại Đại học California, ở thành phố Los Angeles và là người tổ chức phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng", cho hay.
Cuộc bạo loạn năm 1992 nổ ra sau khi 4 sĩ quan cảnh sát da trắng thuộc Sở Cảnh sát Los Angeles được xử trắng án trước cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức đối với King. Làn sóng phẫn nộ đã biến thành bạo lực ở khu vực phía nam Los Angeles và xuất hiện rải rác ở khu vực khác của thành phố. Hơn 60 người chết, trong đó có 10 cảnh sát và lính vệ binh. Hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy. Cảnh sát Los Angeles đã rút lui và để khu vực phía nam chìm trong biển lửa.
Ngược lại, cuộc biểu tình tuần này được tổ chức và diễn ra khắp thành phố, phần lớn là ôn hòa. Dù nhiều cửa hàng bị cướp phá, bạo lực tương đối hạn chế. Cho đến nay, không có ai thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Và khu vực phía nam thành phố khá yên bình.
Connie Rice, luật sư dân quyền từng tham gia vào cuộc cải cách sở cảnh sát Los Angeles (LAPD), cho biết mối quan hệ giữa cơ quan này và cư dân đã được cải thiện đáng kể, dù chưa quá tốt đẹp.
Năm 2019, số vụ nổ súng của sĩ quan LAPD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, khi cảnh sát chỉ nổ súng vào 26 nghi phạm, so với 115 vào năm 1990. Số người chết vì cảnh sát năm 2019 là 12, giảm 4 năm liên tiếp từ mức 21 của năm 2015.
Tuy nhiên, cảnh sát và các cộng đồng thiểu số vẫn còn nhiều căng thẳng. Michel Moore, giám đốc sở cảnh sát Los Angeles, hôm 1/6 nói một số người đang lợi dụng cái chết của Floyd và "họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của anh ta nhiều hơn là các sĩ quan đó". Ông đã nhanh chóng xin lỗi sau phát biểu này và chỉ trích việc lạm quyền của cảnh sát dẫn tới cái chết của Floyd. Nhưng nhiều người biểu tình vẫn kêu gọi ông từ chức.
"Động lực dẫn tới hai cuộc biểu tình không hoàn toàn giống nhau. Nhưng vấn đề bạo lực cảnh sát vẫn tồn tại", Rice nói.
Luật sư Rice cho rằng việc cộng đồng thiểu số, bị ảnh hưởng bởi đại dịch và suy thoái nặng hơn, thiếu cơ hội phát triển kinh tế cũng là nguyên nhân khiến biểu tình nghiêm trọng hơn.
Không giống năm 1992, người biểu tình lần này đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn, như cắt giảm ngân sách của LAPD. Đối mặt với áp lực từ người biểu tình, thị trưởng Eric Garcetti tối 3/6 cho biết ông cùng hội đồng thành phố đã quyết định cắt 250 triệu USD từ ngân sách của các sở, gồm cả cảnh sát, để đầu tư thêm cho việc làm, giáo dục và y tế, với trọng tâm là cộng đồng thiểu số. Ông cũng thông báo thay đổi chính sách, trong đó có yêu cầu cảnh sát khác phải can thiệp khi thấy hành vi sử dụng vũ lực không hợp lý.
Trong cuộc diễu hành dọc đại lộ Hollywood hôm 2/6, nhiều người đã yêu cầu cắt giảm ngân sách của cảnh sát. "Tôi rất vui khi thấy mọi người, không phân biệt màu da, sát cánh bên nhau", Brandon Allen, người Mỹ gốc Phi 30 tuổi cho hay.
Đám đông biểu tình ở cả đại lộ Hollywood và trung tâm thành phố hôm 2/6 gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Theo các nhà hoạt động, đây là yếu tố cần thiết để tạo ra thay đổi lâu dài.
Debra Scharwath, người phụ nữ da trắng 62 tuổi tham gia biểu tình ở trung tâm thành phố cùng chồng, cho biết ủng hộ phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng" từ lâu, nhưng đây là lần đầu tham gia biểu tình. "Thật vinh dự khi được quỳ gối cùng mọi người ở đây", bà nói.
Thị trưởng Garcetti nói ông ủng hộ người biểu tình ôn hòa và mục đích của họ. Ông không triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia ở phía nam Los Angeles "vì ám ảnh với cuộc bạo loạn năm 1992". Ngày 2/6, ông đã quỳ gối bên cạnh người biểu tình phía ngoài tòa thị chính giống một số sĩ quan LAPD.
Nhưng Garcetti cũng không cho phép các hành vi bạo lực và hôi của, lưu ý rằng doanh nghiệp vừa mở cửa trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Một trong số cửa hàng bị cướp phá là Sunny Optometry ở Santa Monica, phía tây Los Angeles. Chủ cửa hàng, Alice Sun và chồng Daniel Sjolund, đã xem camera an ninh hôm 31/5 và thấy những kẻ hôi của phá cửa, lấy trộm đồ và phóng hỏa, khiến họ khó có thể kinh doanh trở lại sau nhiều tháng nữa.
"Chúng tôi còn rất nhiều khoản nợ sinh viên. Chúng tôi phải vay rất nhiều tiền để kinh doanh cửa hàng này. Không có thu nhập, tôi không biết xoay xở những khoản vay đó thế nào", Sun nói.
Abdullah, nhà tổ chức phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng", cho biết truyền thông và giới chức cộng đồng rất quan tâm tới thiệt hại tài sản. Song Abdullah cũng chỉ trích phản ứng "quá bạo lực" của cảnh sát với người biểu tình. Cảnh sát Los Angeles đã bắn đạn cao su và dùng dùi cui đánh người biểu tình trong cuộc đụng độ cuối tuần qua.
Abdullah cho rằng sở cảnh sát Los Angeles không được cải thiện nhiều kể từ năm 1992. Tỷ lệ người chết vì cảnh sát chỉ bắt đầu giảm sau khi phong trào của bà xuất hiện năm 2013. LAPD không trả lời bình luận về vấn đề này.
"Tôi nghĩ vấn đề bạo lực cảnh sát vẫn rất sôi sục. Trong đại dịch, cộng đồng da màu vẫn phải chịu nhiều áp bức. Và không có ai chịu trách nhiệm cho điều này", giáo sư Abdullah nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)