Quân đội Mỹ từng mở các sở chỉ huy dã chiến và đài quan sát dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp với Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là dân quân người Kurd, chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự Mùa xuân Hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ phát động nhằm vào lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria đã khiến khu vực này trở nên hỗn loạn.
Chỉ trong vòng 24 tiếng, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đồn trú tại đông bắc Syria chợt nhận ra rằng mình đang bị các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn áp sát với tốc độ nhanh chóng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngày 12/10 rằng quân đội Mỹ tại đây sẽ rút đi nhanh nhất có thể, chỉ trừ một căn cứ tại sa mạc sát biên giới Syria - Jordan.
Một ngày sau, các đơn vị đặc nhiệm Mỹ đối mặt với các cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống gần vị trí của họ. Một số quan chức quân sự Mỹ cáo buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cố tình rót pháo để đẩy quân Mỹ lùi xa khỏi chiến tuyến.
Các lệnh rút quân bắt đầu được đưa ra, khi đặc nhiệm Mỹ nhận ra tình hình chiến trường đang thay đổi rất nhanh. Các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như thỏa thuận giữa dân quân người Kurd với quân đội chính phủ Syria khiến lực lượng kiểm soát các thành phố, tuyến cao tốc lớn giúp Mỹ rút quân thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Một đơn vị nhỏ của Mỹ, khoảng 50-100 binh sĩ, bị kẹt giữa hai hướng tiến quân của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về Raqqa, Manbij, Kobani, Qamishli và Ayn Issa. "Các đơn vị tại hai trạm quan sát ở Kobani bị đứt liên lạc với dân quân Rojava do Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và quân chính phủ tiến vào Manbij", một quan chức quân đội phương Tây cho biết.
Lực lượng Mỹ phải tìm cách rút lui khi quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cùng hiện diện trong khu vực, quan chức quân đội giấu tên nói. "Hoạt động chống khủng bố quốc tế thành công nhất lịch sử đã kết thúc. Người chiến thắng là Syria và Nga, Mỹ hay Anh giờ không còn hy vọng cứu vãn chiến dịch chống IS của mình, họ chỉ có thể hy vọng công dân của họ có thể rút về trước khi chịu thương vong", quan chức này cho biết.
Mệnh lệnh của chỉ huy Mỹ đưa ra với lực lượng ở Syria cũng thay đổi như vậy, tạo ra sự bối rối chưa từng có.
Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên bày tỏ sự thất vọng trước các mệnh lệnh mâu thuẫn nhau từ cấp trên. Mệnh lệnh đầu tiên với đặc nhiệm Mỹ ở Syria yêu cầu họ bám trụ căn cứ nhưng không tham gia bất cứ hoạt động tác chiến nào. Chỉ ít lâu sau, họ lại nhận được lệnh rút một phần lực lượng khỏi căn cứ. Cuối cùng, lệnh rút toàn bộ lực lượng một cách chóng vánh được đưa ra, chấm dứt chiến dịch chống IS kéo dài 5 năm trên lãnh thổ Syria.
"Các đơn vị đặc nhiệm Anh và Pháp tại Syria có quy mô nhỏ hơn Mỹ nên việc rút quân không mấy khó khăn. Việc ra lệnh cho 20 đặc nhiệm gói ghém đồ đạc và lên đường rất khác so với việc rút các thiết bị, phương tiện hỗ trợ và phần còn lại của liên quân", quan chức quân đội cho biết.
Các chỉ huy Mỹ phải tiến hành toàn bộ quá trình này trong thời gian rất gấp gáp và đảm bảo việc rút 1.000 binh sĩ cùng các xe bọc thép, xe tuần tra qua vùng chiến sự một cách an toàn.
"Thông báo rút quân được đưa ra trong thời gian ngắn và trong điều kiện hỗn loạn như vậy là thách thức rất lớn ngay cả với những đội quân được huấn luyện tốt nhất", quan chức cho biết.
Một quan chức SDF gần thành phố Manbij xác nhận lính Mỹ rút khỏi căn cứ tại đây vội vã đến mức họ buộc phải trao quyền kiểm soát căn cứ cho Wagner Group, một công ty an ninh tư nhân của Nga. "Người Nga đang ở căn cứ của Mỹ tại Manbij, họ đã hộ tống người Mỹ ra khỏi khu vực và tiếp quản nơi này. Tôi nghĩ người Nga sẽ sớm tiếp quản toàn bộ căn cứ Mỹ tại Syria", quan chức SDF nói.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Mỹ là rút quân an toàn và đã triển khai lực lượng trên không để yểm trợ cho từng nhóm binh sĩ di chuyển. Theo kế hoạch, 1.000 đặc nhiệm Mỹ sẽ rời khỏi miền bắc Syria nhanh nhất có thể để tập kết tại một khu vực cách xa nơi giao tranh. Họ sau đó sẽ tới các căn cứ Mỹ tại miền bắc Iraq.
Thời gian Mỹ hoàn tất rút quân hiện chưa rõ, các quan chức nước này cho biết hoạt động có thể diễn ra trong vài ngày cho đến vài tuần. Tuy nhiên, một vụ chạm súng giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Manbij hôm 16/10 báo hiệu lính Mỹ không còn nhiều thời gian để lên đường an toàn.
Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ngày 9/10 nhằm vào lực lượng SDF, với nòng cốt là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), vốn bị nước này coi là tổ chức khủng bố. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị nhiều quốc gia phương Tây phản ứng mạnh mẽ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong buổi họp báo ngày 15/10 cho biết sẽ không ngừng chiến dịch tấn công người Kurd dù phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Erdogan nói việc Syria đưa quân vào Manbiji không quá tiêu cực "bởi đó là lãnh thổ của họ", song Thổ Nhĩ Kỳ muốn dân quân người Kurd phải rút khỏi đó.
Nguyễn Tiến (Theo BI)