So sánh ảnh vệ tinh chụp tháng 10/2018 với tháng 4 và tháng 9 năm nay, giới chuyên gia nhận định đề án đóng tàu sân bay cỡ lớn của Trung Quốc diễn ra với tiến độ ổn định, đồng thời các cơ sở của nhà máy đóng tàu Giang Nam đang được xây dựng nhanh trên quy mô lớn.
Bến cảng rộng lớn ở cửa sông Trường Giang gần được hoàn thành, gồm một cầu cảng dài gần một km và những tòa nhà lớn, nơi chế tạo các bộ phận cho tàu sân bay. Phần lớn diện tích của bến cảng dường như bị bỏ hoang khoảng một năm trước. Bến cảng cũ, nơi các tàu khu trục và chiến hạm khác neo đậu, trở nên bé nhỏ cạnh bến cảng mới.
Chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết các bộ phận đóng sẵn, vách ngăn và các thành phần khác của tàu sân bay được xếp chồng lên nhau gần đó. Phần thân tàu có thể được hoàn thành sau 12 tháng, sau đó được chuyển tới bến cảng mới trước khi được ráp nối.
"Chúng ta có thể thấy hoạt động chế tạo thân tàu sân bay diễn ra với tiến độ chậm nhưng liên tục. Điều khiến tôi ngạc nhiên là hình ảnh cho thấy cơ sở vật chất quy mô lớn được xây dựng đồng thời. Thật khó tưởng tượng rằng tất cả công trình đều phục vụ cho một con tàu duy nhất. Đây giống như không gian đặc biệt cho các tàu sân bay và tàu cỡ lớn khác", chuyên gia phân tích Matthew Funaiole nói.
Chuyên gia người Singapore Collin Koh cho biết cơ sở được xây dựng trên một hòn đảo ít người sinh sống giữa sông Trường Giang, có mức độ an ninh cao hơn các nhà máy đóng tàu ở thành phố Đại Liên, phía bắc Trung Quốc. Nhà máy mới có thể giúp tăng cường hợp tác giữa các hãng đóng tàu dân sự và quân sự.
"Các cơ sở mới tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải có vẻ được xây dựng để phục vụ về lâu dài. Chúng phản ánh tham vọng tăng cường năng lực các hạm đội của Trung Quốc. Các cơ sở được xây dựng nhanh trên quy mô lớn, đó là khởi đầu của một nhà máy chế tạo tàu sân bay và chiến hạm cỡ rất lớn khác", chuyên gia Collin Koh nói.
Hải quân Trung Quốc mới cho ra mắt 4 tuần dương hạm cỡ lớn lớp Type 055 và tàu sân bay trực thăng đầu tiên thuộc lớp Type 075. Trung Quốc chưa chính thức công bố kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba có tên Type 002, song truyền thông nước này cho biết con tày này đang được chế tạo.
Funaiole cho rằng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc nhỏ hơn siêu tàu sân bay có lượng giãn nước 100.000 tấn của Mỹ, nhưng sẽ lớn hơn hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp.
Theo đánh giá thường niên của Lầu Năm Góc được công bố hồi tháng 5, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc dự kiến có boong phẳng và được trang bị máy phóng, cho phép các máy bay có tầm hoạt động xa hơn cùng tiêm kích mang nhiều vũ khí hơn cất cánh.
Hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh và tàu Type 001A có kích thước tương đối nhỏ, trang bị cầu nhảy và mang theo được tối đa 25 chiến đấu cơ. Các tàu sân bay của Mỹ thường xuyên được triển khai với số lượng máy bay gấp bốn lần tàu Trung Quốc.
Các chuyên gia an ninh và quân sự nhận định tàu sân bay Liêu Ninh và Type 001A về cơ bản đóng vai trò là chiến hạm huấn luyện. Trung Quốc có tham vọng biên chế 6 tàu sân bay vào năm 2030, nhưng họ đồng thời phải chế tạo được các chiến hạm hộ tống cùng tàu ngầm và máy bay tương ứng.
"Các nhà máy đóng tàu quân sự của Trung Quốc đang tập trung đóng mới chiến hạm mặt nước kích thước lớn hơn. Năng lực hải quân Trung Quốc có thể sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới", theo thông cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
Các quốc gia châu Á và phương Tây đang theo dõi chặt chẽ tiến trình hiện đại hóa quân đội và phát triển hải quân của Trung Quốc.Tàu sân bay được đánh giá là thành phần quan trọng trong tham vọng xây dựng lực lượng hải quân tầm xa của Trung Quốc và có thể thách thức ưu thế hàng thập kỷ qua của Mỹ tại khu vực Đông Á.
"Hải quân Trung Quốc hiện chưa công bố chi tiết kế hoạch hiện đại hóa lực lượng của họ, song dựa trên các công trình xây dựng trên, chúng ta có thể thấy tham vọng của họ rất lớn", một tùy viên quân sự châu Á giấu tên cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)