Tàu khu trục Type-055 đầu tiên của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc hôm 28/6 tổ chức lễ hạ thủy chiến hạm Type-055, tàu khu trục hạng nặng đầu tiên do nước này tự thiết kế và chế tạo, cũng là chiến hạm mặt nước lớn nhất châu Á kể từ sau Thế chiến II. Với việc sở hữu Type-055, Bắc Kinh đã đạt cột mốc mới trong quá trình hiện đại hóa quân đội và tăng cường tầm ảnh hưởng toàn cầu của hải quân nước này, theo Stratfor.
Tàu khu trục Type-055 dài 180 m, rộng 20 m, có lượng giãn nước đầy tải hơn 12.000 tấn. Trên thực tế, quân đội Mỹ xếp Type-055 vào nhóm tàu tuần dương, loại tàu chiến lớn hơn khu trục hạm. Lớp Type-055 của Trung Quốc có thiết kế hiện đại, tối ưu cho việc tàng hình trước radar, điển hình là phần thượng tầng và cột radar nằm nghiêng, được bọc kín và phủ vật liệu hấp thụ sóng radar.
So với khu trục hạm tàng hình Type-052D, vũ khí của lớp Type-055 không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là các tên lửa phòng không tầm xa và chống hạm. Tuy nhiên, kích cỡ lớn cho phép Type-055 mang theo khoảng 112-128 ống phóng thẳng đứng (VLS), so với 64 ống phóng trên Type-052D. Điều này giúp tàu có thêm nhiều lựa chọn tiến công hoặc phòng thủ theo yêu cầu nhiệm vụ.
Type-055 cũng được trang bị tổ hợp cảm biến lớn và mạnh hơn so với mẫu khu trục hạm tiền nhiệm. Tàu có hệ thống radar băng tần kép, kết hợp với hệ thống đối kháng và hỗ trợ điện tử tăng cường, bên cạnh các gói liên kết dữ liệu liên lạc tối tân. Ngoài ra, do đóng vai trò là chỉ huy và phòng không cho biên đội tàu sân bay Trung Quốc, Type-055 cũng được trang bị nhiều hệ thống quản lý chiến đấu, chỉ huy và kiểm soát.
Lớp Type-055 được đánh giá là thành tựu quan trọng, cột mốc đưa công nghệ hải quân Trung Quốc lên tầm cao mới. Trên thế giới hiện chỉ có hai loại tàu khu trục có tính năng vượt trội hơn Type-055 là khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt của Mỹ và khu trục hạm lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc.
Bắc Kinh đang đóng cùng lúc 4 khu trục hạm Type-055 sau chiếc đầu tiên vừa hạ thủy. Sự ra đời của lớp Type-055 và Type-052D là cho thấy hải quân Trung Quốc đang được tăng cường đáng kể về số lượng và chất lượng đội tàu chiến mặt nước.
Tuy nhiên, vũ khí tối tân không thể giúp tăng cường sức mạnh hải quân nếu không được huấn luyện bài bản. Do đó, nhiều khả năng hải quân Trung Quốc sẽ thường xuyên hoạt động ở các vùng biển xa để xây dựng kinh nghiệm, hòng bắt kịp các đối thủ lớn nhất là Mỹ và Nhật Bản, các chuyên gia của Stratfor kết luận.
Duy Sơn