Trong hội nghị ngày 8/2 tại thủ đô Washington của Mỹ, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SpaceX Gwynne Shotwell cho biết quân đội Ukraine tận dụng dịch vụ Ineternet vệ tinh Starlink "theo cách không nằm trong chủ ý của chúng tôi và không thuộc bất cứ thỏa thuận nào", trong đó có điều khiển máy bay không người lái (UAV).
"Chúng tôi có thể làm nhiều điều để hạn chế khả năng họ làm điều này. Chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp và có thể làm thêm", bà Shotwell nói, song từ chối cho biết cụ thể.
"Chúng tôi biết quân đội Ukraine dùng dịch vụ để liên lạc, điều đó không sao. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ muốn họ dùng dịch vụ để tấn công đối phương", bà Shotwell tuyên bố.
Lãnh đạo SpaceX cho biết điều này vượt ngoài phạm vi thảo thuận giữa công ty Mỹ và chính phủ Ukraine, theo đó dịch vụ Starlink sẽ cung cấp Internet băng thông rộng cho bệnh viện, ngân hàng và các gia đình bị ảnh hưởng trong chiến sự.
SpaceX đã viện trợ cho Ukraine nhiều bộ thiết bị đầu cuối, cho phép quân đội nước này duy trì liên lạc thông qua mạng lưới gần 4.000 vệ tinh của công ty Mỹ. Ngoài lô hàng của SpaceX, chính phủ Mỹ và Pháp cũng viện trợ cho Ukraine thiết bị đầu cuối của Starlink.
Khi được hỏi SpaceX có lường trước khả năng Ukraine sử dụng dịch vụ Starlink tập kích lực lượng Nga hay không khi quyết định viện trợ, bà Shotwell nói "không nghĩ đến điều đó". "Có lẽ nhóm Starlink của tôi khi đó tính đến điều này, nhưng tôi không biết", bà Shotwell cho biết.
Hệ thống Internet vệ tinh Starlink từng gián đoạn vào cuối năm ngoái, song SpaceX không nêu lý do sự cố. Khi được hỏi liệu các sự cố này có liên quan nỗ lực của SpaceX nhằm hạn chế dùng Starlink cho mục đích quân sự tại Ukraine hay không, bà Shotwell từ chối trả lời do "không biết chắc đáp án".
Hệ thống liên lạc Starlink được phát triển bởi SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk. Ông Musk tháng 3/2022 kích hoạt dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink và gửi khoảng 20.000 thiết bị tới Ukraine. Ông Musk cho biết Nga từng tìm cách gây nhiễu Starlink, song SpaceX đối phó bằng cách nâng cấp phần mềm.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)