10 nước ASEAN và Trung Quốc hôm nay khai mạc cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên trong lịch sử với sự góp mặt của 8 tàu chiến và 1.200 quân nhân. Hải quân Nhân dân Việt Nam cử tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo tham gia sự kiện này, theo Báo Hải quân.
Diễn tập Hải quân ASEAN - Trung Quốc (ACMEX) 2018 diễn ra từ ngày 22/10 đến 26/10 ngoài khơi quân cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Các nội dung diễn tập gồm chiến thuật trên sa bàn, bản đồ và thực binh, vận động đội hình tàu trên biển. Mục đích của ACMEX nhằm tăng cường sự ổn định, giải tỏa căng thẳng trong khu vực.
"Một bộ luật và sự hiểu biết chung là yếu tố rất quan trọng, giúp xây dựng sự ổn định ở các vùng biển và vùng trời quốc tế", chuẩn đô đốc Lew Chuen Hong, tư lệnh hải quân Singapore, phát biểu trong lễ khai mạc ACMEX 2018. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng sự kiện này sẽ giúp tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh.
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, hải quân Singapore, Brunei, Thái Lan và Philippines cũng triển khai tàu tới diễn tập, trong khi Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar chỉ cử quan sát viên.
Bên cạnh nội dung diễn tập, thủy thủ đoàn trên tàu Trần Hưng Đạo còn tham gia giao lưu thể thao, văn nghệ với hải quân các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trước đó, tàu 015 Trần Hưng Đạo đã tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong hải trình dài 9.300 km. Đây là chuyến đi biển xa nhất và tham gia nhiều hoạt động nhất của tàu Hải quân Nhân dân Việt Nam từ trước tới nay. Ngoài các hoạt động giao lưu đối ngoại, chuyến đi cũng giúp đánh giá năng lực chỉ huy hiệp đồng, trình độ thao tác làm chủ vũ khí và trang bị kỹ thuật của Hải quân Việt Nam.
015 Trần Hưng Đạo cùng 016 Quang Trung là hai tàu hộ vệ tên lửa Đề án 11661E "Gepard" được đưa vào biên chế Lữ đoàn 162, Hải quân Nhân dân Việt Nam từ tháng 2/2018. Tàu được trang bị nhiều khí tài hiện đại, do Nga sản xuất theo hợp đồng ký kết với Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhằm xây dựng lực lượng hải quân chính quy, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Tàu hộ vệ lớp Gepard của Việt Nam được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, kết hợp giữa thân vỏ góc cạnh và sơn hấp thụ sóng radar, nhằm hạn chế tối đa diện tích phản xạ radar trước các hệ thống trinh sát của đối phương. Tàu cũng được trang bị các hệ thống gây nhiễu, tác chiến điện tử hiện đại.