Chúng ồn ào và có mặt ở khắp mọi nơi, cật lực thổi tuyết phủ những con dốc gồ ghề nhằm phục vụ các màn thi đấu kịch tính sẽ được xem nhiều nhất trong tháng này.
Lần đầu tiên, biến đổi khí hậu đã khiến một kỳ Thế vận hội mùa Đông phải phụ thuộc gần như 100% vào tuyết nhân tạo, được tạo ra từ 400 cỗ máy lớn nhỏ. Đây cũng là xu thế đang diễn ra tại các địa điểm tổ chức thi đấu thể thao mùa đông trên toàn thế giới.
Nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ một trong 21 thành phố từng đăng cai Thế vận hội mùa Đông trong 50 năm qua sẽ có khí hậu thích hợp cho các môn thể thao cần đến tuyết vào cuối thế kỷ này, nếu lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa được kiểm soát và Trái Đất tiếp tục ấm lên.
Khi thời tiết ngày càng trở nên thất thường, các môn thể thao mùa đông khó có thể đảm bảo lượng tuyết tự nhiên cần cho thi đấu. Điều này buộc ban tổ chức các địa điểm thi đấu phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào tuyết nhân tạo.
Nhưng cái giá phải trả khá đắt. Tuyết nhân tạo rất tốn điện và nước. Nhiều vận động viên nói rằng bản thân các môn thể thao cũng trở nên phức tạp và kém an toàn hơn khi sử dụng tuyết nhân tạo.
Khu vực xung quanh các địa điểm tổ chức Olympic Bắc Kinh đang hứng chịu tình trạng khô hạn khắc nghiệt trong mùa đông năm nay, nhưng ngay cả vào những năm bình thường, chúng cũng không hoàn toàn thích hợp cho các môn thể thao trên tuyết. Lượng tuyết rơi trung bình hàng năm ở quận Diên Khánh và thành phố Trương Gia Khẩu, nơi diễn ra hàng loạt sự kiện Olympic mùa Đông, chỉ khoảng 20 cm. Vậy nên, để đảm bảo điều kiện thi đấu, các máy tạo tuyết đã được tận dụng tối đa.
Công ty TechnoAlpin, trụ sở tại Italy, được giao nhiệm vụ sản xuất tuyết bao phủ 4 không gian tổ chức thi đấu ngoài trời quanh thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một cơ hội tuyệt vời giúp họ quảng bá về dịch vụ của mình.
"Chúng tôi rất tự hào khi nói rằng chúng tôi là công ty duy nhất cung cấp hệ thống tạo tuyết cho Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022", Michael Mayr, giám đốc TechnoAlpin khu vực châu Á, cho hay. Theo ông, đây là lần đầu tiên chỉ duy nhất một công ty được giao nhiệm vụ cung cấp tất cả tuyết cho Thế vận hội.
Nhưng có một thành phần quan trọng trong quá trình tạo tuyết mà một số địa điểm thi đấu ở Bắc Kinh cũng thiếu: Nhiệt độ đủ lạnh để nước đóng băng.
Tại Bắc Kinh, nơi tổ chức một số sự kiện thi đấu ngoài trời, gần như tất cả các ngày của tháng hai trong 30 năm qua đều có nhiệt độ trên 0 độ C, theo một báo cáo mới đây từ Đại học Loughborough ở London về ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu đến Olympic mùa Đông.
Diên Khánh và Trương Gia Khẩu là những địa điểm nằm ở độ cao lớn hơn nên lạnh hơn, với nhiệt độ cao nhất trung bình đạt trên mức đóng băng và thấp nhất rơi xuống khoảng -10 độ C vào ban đêm.
"Đã có những tiến bộ công nghệ cho phép tạo ra tuyết khi nhiệt độ ở trên mức đóng băng", Jordy Hendrikx, giám đốc Phòng thí nghiệm Tuyết và Lở tuyết tại Đại học bang Montana, Mỹ, cho hay. "Chúng không phải tuyết 'bông nhẹ' mà mọi người thường nghĩ đến. Chúng dày hơn nhiều và không mềm lắm".
Trước đây, việc tạo tuyết chủ yếu dựa vào súng bắn tuyết, với nhiệt độ phải ngang bằng hoặc dưới mức đóng băng. Khi nhiệt độ cao hơn, ban tổ chức cần có cách làm khác.
TechnoAlpin cho biết họ đã bắt đầu chuyển loạt trang bị, như súng bắn tuyết, máy tạo tuyết chạy bằng quạt và tháp làm mát đến Bắc Kinh từ năm 2018. Nổi bật trong số đó là SnowFactory, công nghệ mới được đưa vào sử dụng cho một trung tâm đào tạo vận động viên Trung Quốc.
"Hãy tưởng tượng nó giống như một phiên bản rất phức tạp của máy làm đá trong tủ lạnh của bạn", Hendrikx nói.
Nhưng chúng cũng tiêu tốn lượng tài nguyên đáng kể, cụ thể là điện và nước. "Rõ ràng chúng ta cần nhiều năng lượng hơn khi thời tiết ấm lên", Mayr giải thích.
Theo báo cáo từ Đại học Loughborough, với 1,2 triệu m3 tuyết cần để bao phủ khoảng 800.000 m2 không gian thi đấu, nhu cầu nước tại Thế vận hội mùa Đông năm nay là rất lớn.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ước tính cần hơn 220.000 m3 nước để tạo ra đủ tuyết cho Thế vận hội. Nó đủ để lấp đầy 3.600 bể bơi kích thước trung bình, tương đương lượng nước uống trong ngày của gần 100 triệu người.
Các vận động viên cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ chấn thương khi thi đấu trên tuyết nhân tạo.
Vận động viên trượt tuyết băng đồng người Pháp Clement Parisse cho hay việc phải tranh tài trên tuyết nhân tạo không phải chuyện hiếm, nhưng loại tuyết này thường trở nên rất trơn và cứng, gây thêm nhiều khó khăn khi thi đấu.
Laura Donaldson, vận động viên trượt tuyết tự do đến từ Scotland, phản đối gay gắt tuyết nhân tạo.
"Nếu các máng trượt được tạo thành từ tuyết nhân tạo trong điều kiện thời tiết không phù hợp, thành máng sẽ trở nên rất cứng, sàn máng cũng cứng", Donaldson cho hay. "Điều này thật sự nguy hiểm cho các vận động viên, một số người đã thiệt mạng".
Không chỉ Olympic, tuyết nhân tạo cũng đang được sử dụng trong các sự kiện thể thao khác và tại các khu nghỉ dưỡng trên toàn cầu. Nhiều nơi trong số đó đang chứng kiến nhiệt độ ngày càng cao vì biến đổi khí hậu.
Những thách thức này sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp thể thao trên tuyết phụ thuộc nhiều hơn vào tuyết nhân tạo, khi tuyết tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu. "Nhưng với cái giá như vậy, liệu chúng ta nên làm chỉ vì chúng ta có thể hay không", bình luận viên Derek Van Dam của CNN đặt câu hỏi.
Vũ Hoàng (Theo CNN)