Trước đó, xung đột giữa những người biểu tình vì cái chết của George Floyd và cảnh sát tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, rơi vào bế tắc suốt một tuần. Cuối cùng, phản ứng ngày càng dữ dội của đám đông buộc Sở Cảnh sát Seattle hôm 8/6 phải nhượng bộ, bằng cách rút hết sĩ quan khỏi đồn tại khu dân cư Capitol Hill và để người biểu tình tự do làm điều họ muốn.
"Không gian này hiện là tài sản của người dân Seattle", tấm biển đặt tại lối vào đồn cảnh sát viết. Toàn bộ khu vực xung quanh giờ đây trở thành nơi để người dân thử nghiệm cuộc sống không có cảnh sát.
Hàng trăm người bên trong khu dân cư thường tập trung để nghe các bài phát biểu, thơ và nhạc. Tối 9/6, vài chục người ngồi giữa một ngã tư để xem bộ phim tài liệu "Tu chính án 13" của đạo diễn Ava DuVernay, về bãi bỏ chế độ nô lệ. Ngày hôm sau, những đứa trẻ chơi vẽ phấn trên đường phố.
Khu vực hút thuốc và trạm y tế cũng được thiết lập bên trong "khu tự trị". Tại địa điểm được gọi là "Hợp tác xã Không Cảnh sát", người dân có thể lấy nước hoặc đồ ăn vặt miễn phí. Không có loại tiền tệ nào được chấp nhận. Tuy nhiên, vẫn có một gian hàng bán xúc xích với giá 6 USD.
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đây dường như là một viễn cảnh nguy hiểm. Tối 10/6, ông kêu gọi các lãnh đạo trong chính quyền dẹp người biểu tình và tuyên bố trên Twitter rằng "những kẻ khủng bố trong nước đã chiếm giữ Seattle".
"Hãy lấy lại thành phố ngay bây giờ. Nếu không ai làm điều đó, tôi sẽ làm. Đây không phải trò chơi", Trump gửi thông điệp tới Thị trưởng Seattle Jenny Durkan và Thống đốc bang Washington Jay Inslee hôm 10/6 và tiếp tục nhắc lại vào ngày hôm sau.
Đáp lại, bà Durkan viết trên Twitter rằng: "Hãy để tất cả chúng tôi an toàn. Quay trở lại hầm ngầm của ông đi", dường như ám chỉ việc Tổng thống Mỹ từng xuống hầm ngầm trong Nhà Trắng giữa lúc người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh bên ngoài.
Trong video đăng hôm 11/6, cảnh sát trưởng Seattle Carmen Best cho biết bà không phải người đưa ra quyết định rời đồn, đồng thời bày tỏ sự tức giận vì diễn biến hiện nay. Bà còn chia sẻ mối lo ngại về những vấn đề trong khu vực, như việc các doanh nghiệp bị yêu cầu trả tiền để đổi lấy an toàn, nhưng không cung cấp bằng chứng.
Nữ cảnh sát sau đó thừa nhận chưa có báo cáo chính thức về sự việc và đây chỉ là tin đồn lan truyền trên mạng xã hội. Liên minh Doanh nghiệp Capitol Hill cũng cho biết không có doanh nghiệp nào trong khu vực báo cáo về những vấn đề như vậy.
Trong khi đó, việc vận hành "khu tự trị" ngày càng được củng cố nhờ sự ủng hộ ngầm của thành phố. Harold Scoggins, lãnh đạo sở cứu hỏa, đã tới khu vực hôm 10/6 để trao đổi với người biểu tình, giúp kết nối một cuộc gọi giữa họ với Sở Cảnh sát, đồng thời đảm bảo nơi đây có nhà vệ sinh di động và dịch vụ vệ sinh.
"Tôi không biết chúng tôi đang đi về đâu. Hiện nay, chúng tôi vẫn làm việc từng bước về cách xây dựng mối quan hệ, lòng tin vào những điều nhỏ nhặt, để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề", Scoggins cho biết.
Những người biểu tình cũng đang cố gắng định hướng, khi các nhóm đưa ra những ưu tiên khác nhau. Danh sách ba yêu cầu được đề nổi bật trên một bức tường, bao gồm cắt ngân sách Sở Cảnh sát, đầu tư vào quỹ y tế cộng đồng và hủy tất cả cáo buộc hình sự với người biểu tình. Tuy nhiên, một hàng rào gần đó lại viết 5 yêu cầu. Con số này trên mạng thậm chí lên tới 30 yêu cầu.
Cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì gối lên gáy, khiến động lực của các cuộc biểu tình dồn vào việc chấm dứt tình trạng bạo lực của cảnh sát và bất bình đẳng chủng tộc. Tuy nhiên, một số người tại Capitol Hill gần đây thúc đẩy tập trung vào vấn đề rộng lớn hơn. Nhiều thông điệp gợi nhắc tới phong trào Chiếm Phố Wall năm 2011, dường như nhắm vào các tập đoàn Mỹ vì vai trò của họ trong việc gây ra tình trạng bất bình đẳng xã hội.
"Càng thúc đẩy giải quyết vấn đề chủng tộc, chúng ta sẽ càng mất tập trung vào thực tế rằng đây là cuộc đấu tranh giai cấp", một người biểu tình 28 tuổi tên Fredrix nêu ý kiến.
Kshama Sawant, một thành viên của Hội đồng Thành phố Seattle, tối 9/6 dẫn đầu đoàn biểu tình kéo tới Tòa Thị chính, tổ chức buổi tập trung bên trong tòa nhà để thúc đẩy kế hoạch đánh thuế Amazon, tập đoàn đặt trụ sở chính của họ tại thành phố.
Tuy nhiên, một số người trong đám đông đấu tranh vì vấn đề chủng tộc và chính sách bắt đầu lo lắng rằng những ưu tiên rộng lớn hơn có thể làm lu mờ mục tiêu chính, giữa lúc bước tiến bộ quan trọng dành cho người Mỹ gốc Phi dường như đang nằm trong tầm tay.
"Chúng ta trước hết chỉ nên tập trung vào một điều. Những việc khác có thể giải quyết sau, bởi thật lòng mà nói, những người đàn ông da màu đang chết dần. Đây là vấn đề chúng ta nên tập trung", Moe'Neyah Dene Holland, nhà hoạt động 19 tuổi thuộc phong trào "Mạng sống người da màu quan trọng", cho biết.
Chính quyền thành phố đã chuẩn bị cho khả năng các cuộc biểu tình có thể kéo dài. Một nhóm từ Sở Giao thông Seattle hôm 10/6 tới khu dân cư Capitol Hill với mục đích thay thế một số rào chắn bằng hộp trồng cây. Tuy nhiên, người biểu tình phản đối hành động này. Rodney Maxie, phó giám đốc sở, nói với nhóm của ông rằng họ có thể quay lại sau, sau khi trao đổi thêm với những người biểu tình.
Bên trong nội bộ, những người biểu tình suy nghĩ khác nhau về việc "khu tự trị" sẽ tồn tại bao lâu. Có người tự hỏi liệu cảnh sát có cố gắng giành lại khu vực hay không. Một số người khác mong rằng tình trạng sẽ được duy trì vài tuần, cho đến khi các lãnh đạo bang và thành phố hành động đủ để đáp ứng những yêu cầu của họ.
John Moore, người đang hỗ trợ tại trung tâm y tế tạm thời của Capitol Hill, hy vọng "khu tự trị" sẽ được công nhận hợp pháp. Đội ngũ y tế ở đây đang tìm kiếm không gian thích hợp hơn để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Moore cho biết họ có hàng chục người sở hữu nhiều bằng cấp và kinh nghiệm khác nhau.
"Chúng tôi đang cố gắng chứng minh thông qua hành động, rằng chúng tôi không cần cảnh sát mà vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng", thanh niên 23 tuổi nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)