Từ khi Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, chính phủ cánh hữu của Israel nhận được nhiều lợi ích chính trị và sự ủng hộ tối đa, với đỉnh cao là các thỏa thuận bình thường hóa với ba quốc gia Arab, khiến quan hệ giữa các nước Trung Đông với quốc gia Do Thái bỗng trở nên bớt thù địch.
Một chiến thắng dành cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dường như sẽ là tổn thất nghiêm trọng đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Sallai Meridor, cựu đại sứ Israel tại Mỹ, cho biết quan hệ hai bên sẽ "có nhiều ánh sáng hơn" nếu Trump nắm quyền.
Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ luôn thu hút sự chú ý toàn cầu. Tuy nhiên, ngày 3/11 năm nay được cho là đặc biệt hơn cả, khi tin tức về cuộc bầu cử và Tổng thống Trump tràn ngập mặt báo, khiến hầu hết người dân thế giới "nín thở", điều mà chỉ một vài lãnh đạo trong lịch sử làm được. Sau 4 năm quay lưng với đồng minh và "mở lòng" với các đối thủ truyền thống, thế giới đang chờ xem liệu nước Mỹ những năm tới có tiếp tục cách tiếp cận gai góc đó nữa hay không.
Theo bình luận viên David Halbfinger của NY Times, ít có quốc gia nào theo dõi bầu cử Mỹ trong thấp thỏm hơn Trung Quốc. Căng thẳng trong một loạt vấn đề, từ thương mại, công nghệ, Covid-19 đến Hong Kong hay Đài Loan, khiến quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Mặc dù vậy, giới chức Trung Quốc dường như không hy vọng việc Trump thất cử sẽ mang lại bất cứ cải thiện nào. Thay vào đó, với giọng điệu ngày càng cứng rắn của Biden với Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây có lẽ còn coi ông là thách thức phức tạp hơn.
Truyền thông Trung Quốc mô tả chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay là "cuộc đối đầu đáng xấu hổ giữa hai ông già". Tạp chí Tài Kinh của nước này thậm chí đặt câu hỏi: "Tại sao buổi tranh luận tổng thống Mỹ trông giống như cuộc cãi lộn trong chợ?".
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như nhắm thẳng vào Tổng thống Trump, khi phát biểu vào tuần trước rằng "trong thế giới đương đại, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa vị kỷ cực đoan sẽ không bao giờ hiệu quả".
Tại Nga, nơi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cáo buộc có những nỗ lực bí mật nhằm giúp Trump tái đắc cử, các hãng tin tức ủng hộ Điện Kremlin nhấn mạnh khả năng xảy ra bạo lực và hỗn loạn vì bầu cử Mỹ. "Có phải Mỹ đang tiến gần nội chiến hay không?" là tiêu đề một bài viết của Komsomolskaya Pravda, một tờ báo phổ biến ở Nga.
Tuy nhiên, phần lớn người Nga đánh giá sẽ không có khác biệt nào xảy ra với họ dù ai đắc cử tổng thống Mỹ. "Đối với Nga, Trump là một tổng thống tốt, nhưng điều đó không quan trọng. Việc cần quan tâm là Putin lãnh đạo tốt nước Nga", Arsen Arutyunyan, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Moskva, nêu ý kiến.
Đối với các đồng minh châu Âu, việc Trump tái đắc cử lại giống như lời xác nhận rằng Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo liên minh với phương Tây. Hàng loạt trang nhất và chương trình tài liệu của Đức đăng những tiêu đề như "Trump điên rồ và Thảm họa của Mỹ".
Ngoài việc hoài nghi tư cách thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Trump còn được cho là coi Liên minh châu Âu (EU) là đối thủ, cố gắng chia rẽ các nước trong khối, thể hiện qua việc ủng hộ Brexit, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa dân túy cánh hữu.
Nhiều người châu Âu lo ngại nhiệm kỳ thứ hai của Trump thậm chí cực đoan và thiếu kiềm chế hơn, với nhiều hành động cảm tính hơn, tương tự phản ứng gây tranh cãi trước đại dịch Covid-19. Ông chủ Nhà Trắng đã phớt lờ ý kiến của giới chuyên gia, chế giễu những người đeo khẩu trang và nhấn mạnh virus "sẽ biến mất một cách kỳ diệu".
Ngược lại, việc Biden bước vào Nhà Trắng sẽ được chào đón như "màn trở lại của sự cấp tiến", theo nhà phân tích quốc phòng người Pháp Francois Heisbourg.
Giới chức Anh tỏ ra lưỡng lự hơn, xuất phát từ quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Boris Johnson. Thêm vào đó là việc Trump ủng hộ Brexit, còn Biden thì không. London lo ngại ứng viên Dân chủ sẽ không chú trọng thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa hai nước, hiện là ưu tiên hàng đầu của họ với Washington.
Tuy nhiên, người dân Anh không lo nghĩ quá nhiều như chính quyền, bởi họ mất thiện cảm với Trump đến mức các chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ phải lên kế hoạch để tránh biểu tình lớn. Những cuộc thăm dò cũng cho thấy Biden được yêu thích hơn hẳn.
Tại Nam Mỹ, cuộc đối đầu vào ngày 3/11 vô cùng quan trọng với hàng nghìn người xin tị nạn mắc kẹt ở biên giới phía bắc Mexico đang nuôi hy vọng đặt chân lên "miền đất hứa".
Joel Fernandez Cabrera, người đàn ông Cuba đã chờ suốt một năm tại Matamoros, Mexico, cho biết lợi thế của Biden trong các cuộc thăm dò giống như "phao cứu sinh" giúp anh giữ vững tinh thần. "Mọi người đều đang dõi theo cuộc bầu cử, bởi đó là tia hy vọng duy nhất của chúng tôi. Nếu Biden thắng, tất cả sẽ đi ăn mừng", Cabrera cho hay.
Trong khi đó, một số người Venezuela lại mong muốn Trump tiếp tục điều hành nước Mỹ, xuất phát từ sự không hài lòng với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. "Trump là người soi rọi các vấn đề của Venezuela, khiến cả thế giới quan tâm đến tình hình tại đây", Julio Urribarri, giáo sư 66 tuổi ở thành phố Maracaibo, Venezuela, nhận xét.
Sức hút của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng hiện diện ở châu Phi. Tại Nigeria, nơi người dân chủ yếu theo đạo Hồi và Cơ đốc, các nhà thờ tràn ngập lời cầu nguyện cho Trump đắc cử. "Bạn phải đồng hành cùng Trump. Ông ấy đã đưa Cơ đốc giáo vào Nhà Trắng", Đức cha John Joseph Hayap, chủ tịch Hiệp hội Cơ đốc giáo Nigeria, cho hay.
Một trong những bình luận liên quan đến châu Phi gây chú ý gần đây của Trump là đề xuất Ai Cập cho nổ đập Đại Phục hưng của Ethiopia trên sông Nile, dự án trị giá 4,6 tỷ USD, bởi cho rằng công trình gây tổn hại cho người dân Ai Cập. Phát ngôn của Tổng thống Mỹ được cho là làm tồi tệ thêm một trong những tranh cãi lớn nhất tại châu Phi, đồng thời gia tăng sự phân cực trong quan điểm về bầu cử Mỹ năm nay.
Các nhà phân tích cho biết nhiều người Ethiopia ủng hộ Biden. Trong khi đó, Yasser Rezk, nhà báo Ai Cập thân cận với Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, cho biết người dân nước này "đặt cược" vào chiến thắng của Trump. "Thật không may, chúng tôi không được quyền bỏ phiếu", Rezk nói.
Tại châu Á, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thường ca ngợi chính sách đối ngoại gần gũi của người đồng cấp Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đánh giá đây là cơ hội tốt hơn để đạt được bước đột phá trên bán đảo, so với các cuộc đàm phán cấp thấp hơn mà Biden có khả năng sẽ theo đuổi.
Tuy nhiên, công chúng nước này lại tỏ ra mệt mỏi với "những lời có cánh" giữa Trump và Kim, người đã cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều. "Trump nhiều lần khiến người Hàn Quốc ngỡ ngàng, buộc họ lúc nào cũng phải trong trạng thái đề phòng", Cheon Seong-whun, cựu lãnh đạo Viện Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc, cho biết.
Tại Trung Đông, nơi chính sách đối ngoại của Trump có tác động lớn nhất, chiến thắng dành cho đảng Dân chủ có thể khiến các lãnh đạo Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ "mất bạn" ở Mỹ, thúc đẩy Arab Saudi đề nghị bình thường hóa quan hệ với Israel, theo bình luận viên Hisham Melhem của tờ báo Lebanon Annahar Al Arabi.
Mặc dù vậy, việc Trump tái đắc cử chưa chắc đã là "điềm lành" dành cho Israel. Theo giới quan sát, Tổng thống Mỹ sau khi bước sang nhiệm kỳ thứ hai sẽ không còn chịu áp lực phải lấy lòng những cử tri theo đạo Tin lành ủng hộ chính sách đối ngoại với Israel, từ đó dẫn tới hạ nhiệt với Iran, khiến Israel lo lắng.
Cựu đại sứ Meridor đánh giá Trump rõ ràng mang lại lợi ích cho Israel, nhưng nước này vẫn nhận thức được sự suy giảm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ trong 4 năm qua.
"Mối quan tâm lớn nhất đối với Israel chỉ là sức mạnh của nước Mỹ", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)