Châu Âu đang xem xét những điều khoản có thể trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ nếu vi phạm luật. Mỹ đã ban hành lệnh cấm các dịch vụ như TikTok và WeChat, dù chính quyền mới của Biden đang cân nhắc lại. Ấn Độ, từng gỡ bỏ hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, cũng đang gây khó dễ với Twitter. Ngày 18/2, nhằm phản ứng luật đàm phán truyền thông của Australia, Facebook quyết định chặn mọi nội dung tin tức từ nước này trên nền tảng của mình.
Một tuần sau đó, Facebook mới đồng ý khôi phục hiển thị các đường link tin tức sau khi đạt được thỏa thuận với chính phủ Australia. Tuy nhiên, trong thông báo của mình, Facebook ám chỉ về khả năng xảy ra các cuộc xung đột tương tự trong tương lai. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tin tức toàn cầu, đồng thời chống lại nỗ lực của các tập đoàn truyền thông trong việc thúc đẩy các quy định mà không tính đến giá trị qua lại giữa các nhà xuất bản và các nền tảng số như Facebook", Campbell Brown, Phó chủ tịch quan hệ đối tác tin tức toàn cầu tại Facebook, cho biết.
Chính phủ một số nước như Anh, Pháp, Canada... cũng đang xây dựng dự luật tương tự của Australia. Theo CNN, nếu những thỏa thuận mang tính lãnh thổ như vậy trở nên phổ biến, mạng Internet "kết nối toàn cầu" mà thế giới vẫn biết tới có thể sẽ trở thành cái gọi là "mạng liên kết", tức chỉ là một tập hợp các mạng nội bộ khác nhau, được giới hạn và xác định bởi biên giới quốc gia hoặc khu vực.
Chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp thương mại và mối lo ngại về sự thống trị của một số công ty công nghệ toàn cầu đã dẫn đến việc ban hành các quy định khác nhau trên khắp thế giới, tạo nên những vết nứt ngày càng sâu hơn trên Internet.
"Tôi nhận thấy xu hướng toàn cầu trong việc phân mảnh Internet ngày càng tăng so với trước đây", Daphne Keller, Giám đốc Trung tâm Chính sách Mạng của Đại học Stanford, nói.
Dù từ lâu đã bị chặn ở Trung Quốc, Triều Tiên, các nền tảng số như Facebook, Twitter, Google vẫn có thể mở rộng ra toàn cầu mà gần như không bị cản trở nhiều. Nhưng giờ đây, họ đang rơi vào bối cảnh rất khác. Sự cởi mở đó không còn được như trước.
"Những gì hợp pháp ở Thụy Điển có thể không hợp pháp ở Pakistan, nên chúng ta phải tìm cách dung hòa điều đó với cách thức hoạt động của Internet", Daphne Keller giải thích. Kết quả là "các nền tảng tự nguyện" hoặc "các chính phủ thúc ép" dựng lên hàng rào địa lý để thấy những điều khác biệt ở quốc gia này so với quốc gia khác.
Tuy Facebook không phải là công ty công nghệ duy nhất nằm trong tầm ngắn của chính phủ các nước, nó mang tính biểu tượng hơn bất kỳ doanh nghiệp nào ở Thung lũng Silicon về lời hứa một mạng kết nối toàn cầu, chống lại luật của các quốc gia khác nhau.
Năm năm trước, CEO Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố về mục tiêu tiếp cận 5 tỷ người dùng, tức phần lớn dân số thế giới. Hiện công ty đã thu hút hơn 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên các ứng dụng khác nhau của mình. "Chúng tôi mong muốn bất cứ ai, ở bất cứ đâu - như trẻ em lớn lên ở vùng nông thôn Ấn Độ chưa từng có máy tính - có thể ra cửa hàng, mua điện thoại, kết nối mạng và truy cập vào tất cả những thứ giống như bạn và tôi", Zuckerberg chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2013.
Ngay cả ở Trung Quốc, nơi chính phủ chặn các công ty công nghệ Mỹ trong suốt hơn một thập kỷ qua, Facebook và Google đều nhượng bộ và tìm cách tiếp cận. Còn giờ đây, Facebook lại thực hiện động thái giống như phép thử quyền lực của ngành công nghệ: đe dọa rút sản phẩm, dịch vụ của mình ra khỏi một thị trường khi đối mặt với các quy định bất lợi. Động thái này đi ngược với tiền đề của Internet là đóng vai trò như một công cụ cho luồng thông tin tự do trên toàn cầu.
Thực tế, vài tháng trước, Google cũng đe dọa cho ngừng công cụ tìm kiếm của họ tại Australia, nhưng cuối cùng lại tỏ ra cầu thị và tiến hành ký kết thỏa thuận thương mại với một số nhà xuất bản tin tức tại đây.
Lần này, phép thử của Facebook đã thành công khi chính phủ Australia nhượng bộ, điều chỉnh một số điều khoản trong bộ luật. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy một số quốc gia khác, trong đó có Mỹ, không hài lòng khi Facebook, Google... nắm trong tay quá nhiều quyền lực và sẵn sàng chơi khó các nền tảng này. Suy cho cùng, các công ty công nghệ lớn mạnh nhờ khả năng tiếp cận hàng tỷ người dùng toàn cầu, và các chính phủ cho thấy họ sẵn sàng cắt quyền truy cập đó với danh nghĩa bảo vệ công dân và chủ quyền trên mạng.
Sinan Aral, Giáo sư tại Trường Kinh doanh MIT Sloan, ví cuộc xung đột này giống trò đấu gà, một dạng "dê đen dê trắng". Trong đó, hai người chơi lao vào nhau, nếu không tránh sẽ nguy hiểm và cùng thua. Nhưng người chọn quay đi đầu tiên sẽ thua và bị gọi là "gà".
Cuộc chiến Facebook - Australia chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ mâu thuẫn giữa các hãng công nghệ và chính phủ, chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm duyệt, quyền riêng tư và cạnh tranh. Thủ tướng Australia Scott Morrison mô tả việc chặn tin tức của Facebook là "hành động ngạo mạn" và "những gì họ làm ở đây có thể gây tổn thương cho họ ở các quốc gia khác".
Tim Berners-Lee, cha đẻ của World Wide Web, bày tỏ lo ngại rằng ý tưởng buộc các mạng xã hội phải trả tiền cho việc chia sẻ đường link, nếu áp dụng khắp thế giới, sẽ khiến Internet không thể hoạt động giống như hiện nay. Ngược lại, theo QZ, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, có thể đã chán ngấy với sự mở rộng quyền lực của các gã khổng lồ công nghệ, bày tỏ sự ủng hộ đối với những gì Australia đang làm.
Khi càng nhiều chính phủ ban hành luật hơn, Google và Facebook sẽ phải đối mặt với tình huống: họ có thể chọn rút khỏi các nước áp quy định bắt họ phải trả tiền cho nội dung tin tức, nhưng khi đó cơ sở người dùng của họ sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Dù vậy, theo ông Kelly, chính phủ các nước nên ngồi lại với nhau và cùng đưa ra các tiêu chuẩn chung, để tránh nguy cơ tạo nên sự phân mảnh Internet. Ông cho rằng, sự phân mảnh này có thể dẫn đến hậu quả khó lường khi các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động khác nhau theo quy định ở mỗi quốc gia, và công dân mỗi nước sẽ tiếp xúc những bộ tin tức khác nhau về các sự kiện địa phương và thế giới, tạo nên một thế giới quan chắp vá.
Minh Minh (theo CNN)